Qua đò, không chỉ là băng qua một dòng sông, mà còn là cả những miền ký ức… Vũ Trung không chỉ “múa trong” đời mà còn là cả “trong mưa”.
Có những chuyến đò chở đầy nỗi buồn, có những chuyến lại thấm đượm sự bình yên. Bài thơ “Qua Đò” khắc họa hành trình tâm hồn của một con người – từ những giọt nước mắt hoà cùng cơn mưa ngày cũ đến khoảnh khắc nhận ra chuyện xưa đã mờ xa. Để rồi, giữa con nước lững lờ trôi, ta bỗng hiểu rằng lòng mình cũng đã đổi thay; nhẹ nhàng hơn, tự tin hơn, và yêu đời hơn.
Hòa quyện giữa thiên nhiên và cõi lòng
Bài thơ mở ra bằng một khung cảnh rất đỗi bình yên:
Trên sông Trà Lý gió vu vơ
Một chiếc đò giang chở khách thơ
Sóng sánh phù sa hoà một sắc
Chập chờn hoa bắp dạt đôi bờ
Nhớ khi mưa bão lòng tê tái
Thương lúc khóc thầm dạ ngẩn ngơ
Lẳng lặng cúi nhìn dòng nước chảy
Ồ hay: chuyện cũ đã xa mờ
Từng hình ảnh hiện lên chất thơ: con sông chảy lững lờ, cơn gió nhẹ thoảng qua; chiếc đò nhỏ đưa khách thơ… Tất cả tưởng chừng như rất tĩnh lặng, nhưng chính sự bình lặng ấy lại làm nền cho những cơn sóng lòng dậy lên. Sự mênh mang của sông nước cũng chính là sự trầm tư trong tâm hồn Vũ Trung.
Ký ức và nỗi buồn xa xăm
Vũ Trung dùng thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật; một thể thơ cổ điển có nhịp điệu chặt chẽ để thể hiện những cung bậc thăng trầm trong lòng:
Nhớ khi mưa bão lòng tê tái
Thương lúc khóc thầm dạ ngẩn ngơ
Hai câu thơ này gợi lên một nỗi buồn sâu kín. Năm trước Vũ Trung đã từng có một chuyến đò trong mưa; khi nước mắt hòa lẫn với những giọt mưa lạnh buốt. Đó là một nỗi đau, một câu chuyện cũ không dễ gì quên được. Mưa ngoài trời, lệ trong lòng, “Vũ ngộ mưa, Vũ múa”
(Ảnh: Vũ Trung/Tin360)
Cúi nhìn dòng nước chảy – hình ảnh này như một sự soi chiếu tâm hồn. Sông vẫn trôi, thời gian vẫn chảy, và những chuyện xưa cũng dần nhạt nhòa. Nhưng giữa những lắng đọng đó, một sự bừng tỉnh xuất hiện:
Ồ hay: chuyện cũ đã xa mờ
Qua đò – Từ đau thương đến bình yên
Câu thơ cuối chính là điểm nhấn quan trọng nhất của bài thơ. “Ồ hay” như một tiếng reo khe khẽ, như một sự giật mình tỉnh thức. Đau thương, mất mát rồi cũng sẽ qua; ký ức dù còn đó nhưng không còn làm lòng người day dứt. Hiện tại đã thay đổi, con người cũng đã khác.
Bài thơ không chỉ là sự hồi tưởng về một lần qua đò mà còn là hành trình trưởng thành của tâm hồn. Từ đau buồn, u uất, Vũ Trung đã đi đến sự thanh thản và yêu đời hơn. Đây chính là ý nghĩa sâu sắc nhất của bài thơ – sự chuyển biến nội tâm từ quá khứ sang hiện tại từ khổ đau sang bình yên, từ yếu mềm sang mạnh mẽ.
“Qua Đò” là một bài thơ ngắn nhưng chứa đựng nhiều tầng nghĩa sâu sắc. Đó không chỉ là câu chuyện của riêng Vũ Trung, mà còn là hình ảnh chung của những người đã từng mang trong lòng bao vết thương đã từng đứng trước dòng sông ký ức và rồi một ngày nhận ra: chuyện cũ đã xa, lòng mình cũng đã khác.
Có lẽ, ai rồi cũng có một lần “qua đò” như thế, để nhìn lại chính mình; để hiểu rằng thời gian luôn mang đến sự chữa lành. Và khi đã buông bỏ được những muộn phiền, ta sẽ thấy đời an nhiên hơn, đẹp hơn; như con đò nhẹ nhàng trôi về phía bến bờ của sự bình yên.