Ít nhất 19 bệnh nhân COVID-19 ở Mumbai, Ấn Độ, bị hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi (AVN) hay còn gọi là chết tế bào xương.
- Cập nhật 6/7: Vì sao F0 có thể điều trị tại nhà? Trung Quốc đưa quân tới biên giới Myanmar
- Nước cam và chanh khiến bộ xét nghiệm nhanh Covid-19 cho kết quả dương tính
- Bắc Kinh nói tên lửa Trung Quốc sẽ trở thành ‘vị cứu tinh của nhân loại’
Theo tờ The Times of India, các bác sĩ lo ngại bệnh AVN có thể là di chứng đáng sợ mà bệnh nhân COVID-19 phải đối mặt sau đợt bùng phát bệnh nấm đen gần đây.
Tất cả các bệnh nhân trên đều dưới 40 tuổi, được điều trị COVID-19 tại các bệnh viện ở thành phố Mumbai, Ấn Độ. Họ xuất hiện triệu chứng bệnh AVN trong khoảng 2 tháng sau khi khỏi COVID-19. Các bác sĩ cho rằng sẽ có thêm các trường hợp mắc AVN trong những tháng tới.
Bác sĩ Sanjay Agarwada, Giám đốc y khoa tại Bệnh viện Hinduja ở Mumbai, cho hay: “AVN là tình trạng chết tế bào xương cục bộ do tổn thương tại chỗ, tác dụng phụ của thuốc hoặc do bệnh tật. Đây là tình trạng nghiêm trọng vì khu vực xương bị hoại tử sẽ không thể hoạt động bình thường, mà bị suy yếu hoặc có thể bị vỡ”.
Ông cho biết thêm rằng hông là khớp dễ bị chết tế bào xương nhất, tiếp đến là đầu gối, vai, mắt cá chân, khuỷu tay và cổ tay.
Theo các bác sĩ, các bệnh nhân COVID-19 sử dụng steroid trong thời gian dài sẽ mắc tình trạng này.
“Bệnh nhân COVID-19 sử dụng steroid và có triệu chứng đau quanh hông hoặc đùi cần được kiểm tra có bị bệnh AVN hay hông. Tình trạng này có thể điều trị thành công mà không cần phẫu thuật nếu phát hiện ở giai đoạn sớm”, Tiến sĩ Mayank Vijayvargiya tại bệnh viện Hinduja nói.
AVN thường xảy ra với người trong độ tuổi từ 30 đến 50. Bệnh có thể được điều trị bằng vật lý trị liệu, phẫu thuật hoặc dùng thuốc.
Trước đó, hàng chục nghìn bệnh nhân COVID-19 ở Ấn Độ mắc bệnh nấm đen. Trong đó nhiều người phải cắt bỏ hết các tế bào nhiễm nấm, mà đa phần tập trung ở vùng mắt để điều trị.
“Nếu nấm phát triển ở xoang, chúng ta sẽ phải cắt mũi. Nếu nấm đen xâm nhập vào mắt, thì toàn bộ nhãn cầu, mi mắt và các cơ xung quanh sẽ phải bị loại bỏ, để lại vùng hốc mắt trơ trọi và trống rỗng”, bác sĩ Akshay Nair điều trị bệnh nhân nấm đen ở Mumbai nói và cho biết.
Các bác sĩ tin rằng nguyên nhân các ca mắc nấm đen tăng đột biến ở Ấn Độ là việc các cơ sở y tế sử dụng tràn lan steroid để điều trị cho người nhiễm virus corona.
Trong 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận trên 40.000 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 30,5 triệu ca. Tổng số ca tử vong ở Ấn Độ cũng vượt mốc 400.000 người, cao thứ ba thế giới sau Mỹ và Brazil.