Sinh con không chỉ là chuyện riêng của một gia đình, mà đang là bài toán nan giải của cả xã hội. Khi chỉ một lần sinh con đã khiến nhiều phụ nữ lao đao vì tài chính, sự nghiệp, sức khỏe, liệu còn ai dám sinh thêm?
- Trump áp thuế 30% lên EU và Mexico, leo thang chiến tranh thương mại
- Nga tấn công miền Tây Ukraine, giết hai người ở Chernivtsi
- Người Thầy giáo – Mắt xích giữa ba thời đại
Từ thiên chức thành gánh nặng
Chị Mai, nhân viên văn phòng tại TP HCM, sinh con đầu lòng cách đây gần một năm. Khi được hỏi có ý định sinh thêm, chị lắc đầu: “Một đứa là đủ toát mồ hôi cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Vừa lo tài chính, vừa chật vật giữ việc làm, sức đâu mà nghĩ tới đứa thứ hai”.
Tâm sự của chị Mai không phải cá biệt. Ngày càng nhiều phụ nữ trẻ từ chối sinh con thứ hai, không phải vì “ích kỷ” hay “sợ khổ”, mà bởi họ đang đơn độc xoay xở trong một hệ thống thiếu hỗ trợ.
Thai sản xong là mất cơ hội
Nhiều phụ nữ chia sẻ, sau kỳ nghỉ thai sản, họ quay lại thì vị trí đã bị thay thế; khách hàng đã chuyển sang đồng nghiệp khác. Một năm gián đoạn khiến họ tụt hậu về kỹ năng; mất lợi thế thăng tiến, thậm chí mất cả việc.
Một số công ty còn yêu cầu nữ lao động cam kết “không sinh con trong hai năm đầu” để tránh ảnh hưởng đến vận hành. Điều này vô tình đẩy phụ nữ vào thế tiến thoái lưỡng nan; chọn sinh con là chọn hy sinh sự nghiệp.
Nuôi một đứa trẻ ở thành phố không hề rẻ
Không chỉ là viện phí khi sinh; việc nuôi dưỡng một đứa trẻ kéo dài hàng năm trời với đủ loại chi phí: tã sữa, y tế, ăn uống, giữ trẻ, học phí… Trung bình, mỗi tháng tốn từ vài đến cả chục triệu đồng – con số khiến các gia đình trẻ quay cuồng trong chi tiêu.
Trong bối cảnh giá cả leo thang, nhà đất đắt đỏ, thu nhập không tăng tương xứng; nhiều vợ chồng trẻ không dám sinh thêm vì sợ “kiệt ví”.
Khi sinh con không còn là “chuyện riêng của phụ nữ”
Việc sinh con vẫn đang bị mặc định là “trách nhiệm của phụ nữ”. Nhưng trên thực tế, đây là một đóng góp cho tương lai quốc gia. Xã hội già hóa, thiếu lao động trẻ; gánh nặng an sinh tăng cao – tất cả đều đang đòi hỏi sự vào cuộc nghiêm túc của Nhà nước và doanh nghiệp.
Nếu không có chính sách thiết thực, việc kêu gọi sinh thêm chỉ dừng ở mức khẩu hiệu. Để thay đổi, cần:
- Hỗ trợ tài chính khi sinh nở
- Bảo vệ vị trí làm việc cho phụ nữ sau thai sản
- Phát triển trường mầm non công chất lượng
- Khuyến khích mô hình làm việc linh hoạt, thân thiện với phụ huynh
Đừng để phụ nữ “sinh một con đã kiệt sức”
Khi một người phụ nữ từ chối sinh thêm; không phải vì không yêu trẻ con; mà vì họ không thể cáng đáng nổi thêm một gánh nặng. Nếu xã hội muốn tăng tỷ lệ sinh, thì phải tạo điều kiện để mỗi đứa trẻ ra đời là niềm vui chung, không phải gánh lo riêng.
Chỉ khi sinh con không còn là nỗi sợ; thì mới có thể kỳ vọng một thế hệ trẻ được tiếp nối.
Theo: VnExpress