Sau một giai đoạn dài “ghìm cương”, mặt bằng lãi suất huy động đang có dấu hiệu tăng trở lại trong bối cảnh nhu cầu tín dụng tăng cao, đặc biệt ở nhóm ngân hàng vừa và nhỏ. Tuy chưa tạo nên làn sóng mạnh mẽ, nhưng tín hiệu từ thị trường cho thấy: xu hướng giảm lãi suất huy động đang chững lại, nhường chỗ cho sự điều chỉnh tăng có chọn lọc, nhất là khi nguồn vốn rẻ dần cạn kiệt.
- Hà Nội: Bắt ‘ông trùm’ người Trung Quốc trong đường dây ‘tín dụng đen’ xuyên quốc gia
- 10 mỹ nhân Việt sở hữu gương mặt mộc khiến khán giả ngỡ ngàng: Lan Ngọc xếp thứ 4, vị trí số 1 gây bất ngờ
- Trùm giang hồ Tuấn ‘thần đèn’ bị Bộ Công an khám nhà
Thực trạng lãi suất huy động: Đã chạm đáy?
Theo báo cáo mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong tháng 4/2025, lãi suất tiền gửi bằng VND tại các ngân hàng thương mại vẫn giữ mức thấp: từ 0,1 – 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và dưới 1 tháng; từ 3,2 – 4,0%/năm cho kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng. Các kỳ hạn dài hơn có mức lãi suất cao hơn, dao động trong khoảng 4,5 – 7,1%/năm.
Đáng chú ý, lãi suất huy động gần như không thay đổi so với tháng trước, chỉ tăng nhẹ 0,1 điểm phần trăm ở một số kỳ hạn. Điều này phản ánh rõ việc dư địa giảm lãi suất đã trở nên hạn chế, nhất là trong bối cảnh áp lực huy động vốn phục vụ tăng trưởng tín dụng ngày càng lớn.
Một số ngân hàng đã bắt đầu điều chỉnh lãi suất đầu vào
Khảo sát thực tế thị trường trong tháng 5 cho thấy, xu hướng tăng lãi suất huy động đang xuất hiện trở lại. Đã có ít nhất 3 ngân hàng nâng lãi suất gồm Techcombank, Bac A Bank và Eximbank – trong đó Eximbank đặc biệt tích cực với 3 lần điều chỉnh tăng liên tiếp. Ngược lại, có 4 ngân hàng giảm lãi suất gồm: MB, GPBank, VPBank và Eximbank (cũng có những thời điểm hạ trước khi nâng trở lại).
Eximbank trở thành điểm nhấn khi đồng loạt tăng lãi suất cả ở kênh online lẫn tại quầy. Gói “Tiết kiệm thịnh vượng 50+” dành cho khách hàng trên 50 tuổi cũng được nâng lãi suất thêm 0,1-0,2%/năm. Điều này cho thấy cuộc đua lãi suất đầu vào đang âm thầm quay lại, đặc biệt tại những ngân hàng đang chịu áp lực thanh khoản hoặc muốn tăng tốc cho vay.
Nhu cầu tín dụng tăng nhanh trở lại
Theo dữ liệu từ NHNN, đến giữa tháng 4/2025, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đã vượt 16,2 triệu tỷ đồng, tăng gần 4% so với cuối năm 2024 – tương đương hơn 640.000 tỷ đồng tăng thêm chỉ trong hơn 3 tháng. Đây là tín hiệu cho thấy nền kinh tế đang phục hồi, kéo theo nhu cầu vốn tăng vọt ở nhiều lĩnh vực.
Các chuyên gia tại Công ty Chứng khoán MB (MBS) dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2025 có thể đạt 17-18%, vượt xa mục tiêu 16% ban đầu. Yếu tố thúc đẩy chính đến từ sự phục hồi của ngành sản xuất, tiêu dùng nội địa, cùng với việc giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh.
Trước thực trạng này, giới phân tích nhận định lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng có thể tăng lên mức 5,5 – 6%/năm vào cuối năm, cao hơn mức hiện tại. Đồng thời, áp lực tăng lãi suất huy động sẽ không còn chỉ là bài toán của nhóm ngân hàng nhỏ mà lan rộng ra toàn hệ thống.
Lãi suất cho vay: Giữ nhịp ổn định trong ngắn hạn
Dù lãi suất đầu vào có dấu hiệu tăng, mặt bằng lãi suất cho vay hiện tại vẫn giữ nguyên, chưa có dấu hiệu tăng ngay. Theo NHNN, trong tháng 4/2025, lãi suất cho vay VND đối với các khoản vay còn dư nợ dao động từ 6,6 – 8,9%/năm, giảm nhẹ so với tháng trước. Trong đó, lãi suất cho vay ngắn hạn dành cho lĩnh vực ưu tiên chỉ khoảng 3,9%/năm, thấp hơn trần quy định 4%.
Đối với các khoản vay bằng USD, lãi suất bình quân đang ở mức 4,2 – 5,0%/năm.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo dư địa giảm lãi suất cho vay đang dần cạn kiệt. TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính – cho rằng, Việt Nam buộc phải lựa chọn giữa ổn định tỷ giá và thúc đẩy tăng trưởng. Trong bối cảnh Mỹ gia tăng rào cản thương mại với hàng hóa Việt, xuất khẩu chịu áp lực, nguồn cung ngoại tệ sụt giảm sẽ tạo sức ép lớn lên tỷ giá. Lúc này, giữ lãi suất quá thấp có thể khiến VND mất giá nhanh hơn.
Ngân hàng – Bạn đồng hành hay người nắm thế chủ động?
Trong giai đoạn phục hồi hiện nay, ngân hàng không chỉ là kênh trung chuyển vốn, mà còn đóng vai trò là người đồng hành cùng nền kinh tế vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, để duy trì biên lợi nhuận và kiểm soát rủi ro tín dụng, ngân hàng buộc phải tính toán lại cấu trúc lãi suất một cách cẩn trọng.
Ông Nguyễn Quang Huy – CEO Khoa Tài chính Ngân hàng, ĐH Nguyễn Trãi nhận định, 6 tháng cuối năm, lãi suất cho vay nhiều khả năng sẽ “biến động linh hoạt”, có chọn lọc theo từng phân khúc khách hàng và ngành nghề, thay vì đồng loạt tăng hoặc giảm như trước đây.
Việc các ngân hàng bắt đầu tăng lãi suất huy động là dấu hiệu rõ ràng cho thấy chu kỳ lãi suất thấp đang dần kết thúc. Trong bối cảnh tín dụng tăng mạnh, cạnh tranh huy động vốn sẽ ngày càng gay gắt, đặc biệt ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần. Do đó, nhà đầu tư và người gửi tiết kiệm cần theo dõi sát sao những điều chỉnh trong chính sách lãi suất để có quyết định tài chính phù hợp.
Theo: vnbusiness