Hàng chục nghìn hộp thuốc đông y, tây y bị làm giả, chứa chủ yếu chất giảm đau, không có tác dụng điều trị như quảng cáo. Đường dây do một người “không học y” cầm đầu, hoạt động liên tỉnh, tinh vi như phim.
- Đà Nẵng: Triệt phá thành công động bàn tơ “Lan Quế Phường”
- Trú ẩn trong vàng: Cái giá thật sự của làn sóng gom vàng toàn cầu
- Đại học Phenikaa chính thức trở thành đại học thứ 10 của Việt Nam
Chữa xương khớp, viêm xoang bằng giảm đau
Công an Thanh Hóa vừa bóc gỡ đường dây sản xuất thuốc giả lớn nhất từ trước đến nay ở tỉnh. Kết quả giám định ban đầu cho thấy, các loại thuốc đông y bị làm giả – chủ yếu quảng cáo chữa thoái hóa, đau lưng, viêm xoang – thực chất chỉ chứa chất giảm đau tức thời.
Người dùng tưởng bệnh thuyên giảm, nhưng chỉ là “cái bẫy” đánh vào cảm giác. Không hề có thành phần điều trị thật sự.
Tây y cũng không thoát
Nhiều loại thuốc kháng sinh, bổ sung được đóng mác tên quen thuộc như Tet.racyclin, Clo.rocid, Phar.coter… đều bị làm giả. Bao bì ghi rõ công dụng, nhưng bên trong hoàn toàn không có hoạt chất như hướng dẫn.
May mắn, số thuốc này chưa lọt vào hệ thống bệnh viện công vì thiếu giấy tờ đấu thầu.
“Tự nghĩ công thức”, nguyên liệu mua từ chợ
Kẻ cầm đầu – Nguyễn Tiến Đạt (34 tuổi) – khai mua tinh bột, chất tạo màu, than tre… từ chợ và các nguồn trôi nổi rồi “nghĩ ra công thức” để sản xuất thuốc. Không hề có kiến thức y dược, cũng chẳng ai trong nhóm 14 nghi phạm có chuyên môn.
Không chỉ giả thuốc thật, nhóm này còn “bịa tên thuốc mới”, in bao bì đẹp, gắn mác sản xuất tại địa chỉ đại sứ quán nước ngoài để đánh lừa người tiêu dùng.
Quy mô liên tỉnh, hoạt động cực kín
Đường dây do Đạt và Trịnh Doãn Giáo (40 tuổi, TP HCM) điều hành, trải khắp Hà Nội, TP HCM, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, An Giang, Đồng Tháp. Sáu điểm khám xét thu giữ gần 10 tấn thuốc và nguyên liệu, hàng nghìn hộp thuốc giả đủ loại.
Nhân công đều là người quen, ở ăn tại xưởng, không được tiếp xúc bên ngoài. Kho hàng chọn nơi vắng vẻ, khó phát hiện.
Bán thuốc giả qua Zalo, Facebook
Nhóm này lập đội “trình dược viên” tự xưng là dược sĩ, rao bán thuốc qua mạng xã hội. Chiêu bài quen thuộc: “thuốc xách tay”, giá rẻ vì không xuất hóa đơn. Một số thuốc thật được trộn vào hàng giả để tạo lòng tin.
Công an Thanh Hóa đang tiếp tục điều tra mở rộng. Người dân được khuyến cáo không mua thuốc trôi nổi, không rõ nguồn gốc, dù được giới thiệu là “hàng hiệu” hay “xách tay”.
Nguồn: Báo VnExpress