TP.HCM đẩy mạnh kiểm soát rau củ, cảnh báo dậy thì sớm ở trẻ em và nâng cao chất lượng đào tạo y khoa.
- Hoàng Cung Huế – Mê mẩn trước sắc hoa ngô đồng nở hồng trời ở nơi đây
- 5 điều đặc biệt ở người phụ nữ khiến đàn ông say mê ngay lần đầu gặp mặt
- Cây chua me đất – Món quà dân dã từ thiên nhiên
Việt Nam đang nằm trong nhóm quốc gia có tỉ lệ nhiễm vi khuẩn HP cao nhất toàn cầu, với trên 70% người trưởng thành nhiễm bệnh. Trong khi đó, TP.HCM tăng tốc kiểm soát chất lượng nông sản, ghi nhận số trẻ dậy thì sớm gia tăng mạnh và nâng chuẩn đào tạo y khoa trên địa bàn.
Việt Nam đứng đầu thế giới về tỉ lệ nhiễm vi khuẩn HP
Tại Hội nghị khoa học 2025 do Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện đa khoa Hữu nghị Nghệ An tổ chức, bác sĩ Nguyễn Thế Phương (Trung tâm Tiêu hóa – Gan mật, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết Việt Nam hiện có tỉ lệ nhiễm vi khuẩn HP rất cao: hơn 55% ở trẻ em và trên 70% ở người lớn. Trong khi đó, tỉ lệ trung bình ở nhiều nước Bắc Mỹ và châu Âu chỉ vào khoảng 30-40%.
Đáng chú ý, tình trạng vi khuẩn HP kháng thuốc ngày càng phổ biến ở trẻ nhỏ, ảnh hưởng đến hệ vi sinh đường ruột và kéo theo hàng loạt hệ lụy như viêm loét dạ dày, rối loạn tiêu hóa. Hội nghị ghi nhận 250 báo cáo khoa học, trong đó có 14 báo cáo quốc tế về điều trị HP, nội soi và phẫu thuật robot.
TP.HCM: Hơn 1.300 sản phẩm nông sản vào chương trình Tick xanh
Theo Sở Công Thương TP.HCM, tính đến ngày 15-5, có 1.353 sản phẩm rau củ, trái cây từ 258 nhà cung cấp tham gia chương trình “Tick xanh trách nhiệm” nhằm kiểm soát chất lượng hàng hóa.
Các hệ thống bán lẻ lớn như Co.op Mart, Bách Hóa Xanh, MM Mega Market, Central Retail, Wincommerce đã tham gia tích cực. Đơn cử, Co.op Mart có 570 sản phẩm từ 75 nhà cung cấp được chứng nhận Tick xanh.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương, nhấn mạnh mục tiêu mở rộng số lượng nhà cung cấp và ngành hàng, đồng thời tăng cường truyền thông để người tiêu dùng nhận diện sản phẩm an toàn.
TP.HCM chấn chỉnh công tác đào tạo y khoa
Sở Y tế TP.HCM vừa ra văn bản yêu cầu các cơ sở y tế trực thuộc nâng cao chất lượng đào tạo, cập nhật kiến thức y khoa liên tục (CME) cho đội ngũ nhân viên.
Thời gian qua, các hoạt động CME được triển khai rộng rãi, song vẫn còn tình trạng thiếu đồng bộ và chưa đảm bảo chất lượng. Sở yêu cầu các đơn vị chỉ tổ chức khi chương trình đã được thẩm định, đảm bảo đủ giảng viên, thiết bị, và báo cáo đầy đủ đến Bộ/Sở Y tế.
Theo quy định, bác sĩ và nhân viên y tế phải cập nhật tối thiểu 120 tín chỉ CME trong vòng 5 năm để duy trì năng lực hành nghề.
Trẻ dậy thì sớm gia tăng, đáng báo động
Theo Bộ Y tế, tỉ lệ trẻ dậy thì sớm tại Việt Nam đang tăng nhanh, nhất là tại các đô thị. Báo cáo từ Sở Y tế TP.HCM cho thấy, số ca trẻ đến khám vì nghi ngờ dậy thì sớm đã tăng gần 30% so với năm ngoái.
Bác sĩ Lê Thanh Bình, Phó trưởng khoa Thận – Nội tiết (Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM), cảnh báo dậy thì sớm có thể khiến trẻ bị hạn chế chiều cao, rối loạn nội tiết và gặp khó khăn tâm lý trong học đường. Đặc biệt với bé gái, việc phát triển sớm có thể ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe sinh sản nếu không được phát hiện và theo dõi kịp thời.
Lần đầu tiên bệnh viện tại Việt Nam đạt ISO chẩn đoán hình ảnh
Bệnh viện Đa khoa Medlatec vừa trở thành đơn vị đầu tiên trong nước đạt chứng nhận ISO 15189:2022 cho khoa chẩn đoán hình ảnh.
Đây là tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh y tế, hiện được áp dụng tại hơn 130 quốc gia. Việc đạt chứng nhận giúp tăng độ chính xác, giảm thời gian chờ đợi, nâng cao bảo mật và hiệu quả khám chữa bệnh cho bệnh nhân.
Nguồn Báo Tuổi Trẻ