Tình hình địa chính trị toàn cầu tiếp tục có những chuyển biến đáng chú ý. Mỹ và Iran bất ngờ phát tín hiệu tiến gần một thỏa thuận hạt nhân mới, trong khi NATO bàn kế hoạch tăng mạnh ngân sách quốc phòng theo yêu cầu của Tổng thống Donald Trump. Tại Istanbul, Nga và Ukraine lần đầu đối thoại trực tiếp về ngừng bắn và khả năng gặp mặt giữa hai nguyên thủ.
Thời cơ “tan băng”? Mỹ và Iran tiến gần thỏa thuận hạt nhân mới
Trong chuyến công du Trung Đông, Tổng thống Donald Trump bất ngờ tuyên bố Mỹ và Iran đang “tiến gần đến một thỏa thuận hạt nhân”. Gần như ngay sau đó, Tehran bày tỏ thiện chí sẵn sàng đón nhận đầu tư từ các doanh nghiệp Mỹ – một tín hiệu tích cực sau nhiều thập kỷ căng thẳng.
Ngoại trưởng Iran nhấn mạnh rằng rào cản hiện tại là các lệnh trừng phạt từ Washington, chứ không phải lập trường đối đầu, đồng thời hé lộ khả năng hợp tác trong các lĩnh vực chiến lược như dầu khí. Trước đó, cố vấn cấp cao của giáo chủ Khamenei cũng tuyên bố sẵn sàng ký kết thỏa thuận nếu Mỹ dỡ bỏ trừng phạt ngay lập tức.
Chính quyền Trump cho thấy dấu hiệu mềm mỏng hơn khi thay đổi nhân sự chủ chốt, đồng thời bổ nhiệm một nhà đàm phán được đánh giá có phong cách thực dụng, linh hoạt. Trong khi đó, các đối tác vùng Vịnh – như Saudi Arabia và UAE – vốn phản đối giải pháp quân sự, đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc tạo thế cân bằng.
Về phía Iran, sau hàng loạt tổn thất chiến lược tại Syria, Gaza và Liban, việc tìm kiếm lối thoát kinh tế và duy trì ổn định nội bộ dường như là ưu tiên hàng đầu. Giới phân tích cho rằng Tehran có thể chấp nhận thu hẹp chương trình hạt nhân quân sự để đổi lấy sự sống còn về kinh tế và chính trị.
Dù chưa thể khẳng định một thỏa thuận mới sẽ thành hình, nhưng rõ ràng, bàn cờ Trung Đông đang dịch chuyển. Và lần này, tiếng nói từ Riyadh, Doha và Abu Dhabi dường như đang chiếm ưu thế hơn lập trường cứng rắn của Israel.
NATO hướng tới tăng mạnh chi tiêu quốc phòng theo đề xuất của Mỹ
Sau nhiều năm trì hoãn, các thành viên NATO đang thể hiện quyết tâm tăng mạnh ngân sách quốc phòng và an ninh, phù hợp với yêu cầu từ Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tại cuộc họp ngoại trưởng ngày 15/5 tại Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thư ký NATO Mark Rutte khẳng định liên minh sẽ đưa ra cam kết chi tiêu mới tại hội nghị thượng đỉnh ở La Haye vào cuối tháng 6/2025.
Tổng thống Trump đề xuất các nước NATO dành ít nhất 5% GDP cho quốc phòng, trong đó 3% cho chi tiêu quân sự và 1,5% cho an ninh rộng hơn như hạ tầng. Đức và Pháp đều đã phát tín hiệu ủng hộ. Ngoại trưởng Đức tuyên bố Berlin sẽ tuân thủ mục tiêu 5%, trong khi phía Pháp cũng hé lộ khả năng tăng chi để ứng phó nguy cơ từ Nga.
Tuy nhiên, theo AFP, phần lớn các thành viên vẫn đang loay hoay với mục tiêu cũ là 2% GDP. Hiện mới chỉ có 22/32 nước đạt mức này, còn các nước như Tây Ban Nha, Bỉ hay Slovenia vẫn chi dưới ngưỡng. Trong khi đó, Ba Lan nổi bật khi đã đạt 4,7% GDP dành cho quốc phòng – gần chạm mức Mỹ kỳ vọng.
Nga – Ukraine lần đầu đàm phán trực tiếp về ngừng bắn và khả năng gặp thượng đỉnh Putin – Zelensky
Ngày 16/5/2025, các phái đoàn Nga và Ukraine đã lần đầu tiên đàm phán trực tiếp tại Istanbul kể từ khi chiến sự nổ ra năm 2022. Nội dung cuộc họp xoay quanh khả năng thiết lập lệnh ngừng bắn, tổ chức cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và Zelensky, cùng thỏa thuận trao đổi 1.000 tù binh mỗi bên.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức, cho rằng đây là cơ hội tạo nền tảng cho đối thoại thượng đỉnh. Trước đó, Ukraine đã tham vấn với Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi Nga cử cố vấn Vladimir Medinsky dẫn đầu đoàn đàm phán – điều bị phương Tây đánh giá là “thiếu nghiêm túc”.
Dù ông Medinsky khẳng định phái đoàn có toàn quyền thương lượng, Tổng thống Zelensky cho rằng việc vắng mặt ông Putin là “thiếu tôn trọng”. Về phía Mỹ, Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẵn sàng gặp ông Putin “ngay khi có thể”.
Cùng thời điểm, Điện Kremlin công bố thay tư lệnh lục quân Nga: Tướng Oleg Salioukov được điều sang Hội đồng An ninh Quốc gia, thay bằng tướng trẻ Andrei Mordvichev – một gương mặt cứng rắn từng chỉ huy nhiều trận đánh tại Ukraine.
Châu Á – Thái Bình Dương lo ngại căng thẳng thuế quan toàn cầu
Tại cuộc họp cấp bộ trưởng Thương mại của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) ngày 16/5/2025 trên đảo Jeju (Hàn Quốc), đại diện 21 nền kinh tế thành viên bày tỏ quan ngại sâu sắc về nguy cơ chiến tranh thương mại leo thang. Trong tuyên bố chung, các bộ trưởng tái khẳng định cam kết thúc đẩy hội nhập khu vực bất chấp những khác biệt hiện hữu.
Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc đánh giá cuộc họp là “tín hiệu tích cực cho thị trường toàn cầu”, song thừa nhận rằng khác biệt quan điểm và điều kiện kinh tế giữa các quốc gia vẫn là rào cản lớn khiến APEC chưa thể đưa ra hành động thống nhất, đặc biệt là trong việc phản ứng trước chính sách thuế quan của Hoa Kỳ.
Ukraine là tâm điểm thượng đỉnh Cộng Đồng Chính Trị châu Âu
Ngày 16/5/2025, lãnh đạo 47 quốc gia châu Âu tham dự hội nghị thượng đỉnh Cộng Đồng Chính Trị Châu Âu (CPE) tại thủ đô Tirana của Albania – đánh dấu lần đầu tiên CPE được tổ chức ở khu vực Balkan. Sáng kiến CPE được khởi xướng năm 2022 bởi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trong bối cảnh Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Chủ đề Ukraine tiếp tục là trọng tâm thảo luận, trong khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nhiều khả năng vắng mặt do đang tham gia điều phối các cuộc đàm phán quan trọng giữa Ukraine, Nga và Hoa Kỳ tại Istanbul. Sau hội nghị, Tổng thống Macron sẽ có chuyến công du chính thức tới Albania vào ngày 17/5, dự kiến ký kết thêm nhiều thỏa thuận đầu tư chiến lược, qua đó tăng cường mối quan hệ kinh tế song phương giữa hai nước.
Ba nước châu Âu và Iran nối lại đàm phán hạt nhân tại Istanbul
Iran và nhóm E3 (gồm Anh, Pháp, Đức) đã tổ chức vòng đàm phán cấp thứ trưởng ngoại giao tại Istanbul vào ngày 16/5/2025, xoay quanh vấn đề hạt nhân – trong bối cảnh Tehran cũng đang thương thuyết song song với Hoa Kỳ về cùng chủ đề.
Cuộc gặp diễn ra chỉ một tuần sau vòng đàm phán thứ tư giữa Mỹ và Iran tại Oman. Trước thềm buổi họp với E3, Tehran bất ngờ tuyên bố không phản đối việc Mỹ đầu tư vào lãnh thổ Iran – được giới quan sát xem là tín hiệu hòa dịu hiếm hoi sau thời gian dài căng thẳng. Bộ ba E3 là những bên đã cùng ký thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015 với Iran, bên cạnh Nga, Trung Quốc và Mỹ.
Theo: RFI