Những động thái thay đổi số liệu người chết vì viêm phổi Vũ Hán của giới chức Trung Quốc trong mắt ông Trump dường như chỉ là để “đẩy sự thật đi xa hơn”.
Người ta từng đùa rằng “nếu ông Trump nhấn nút hạt nhân, thì nó cũng được báo trước ít giây bằng dòng tweet”. Điều đó cho thấy phong cách đặc trưng của tổng thống Mỹ đương nhiệm khi giải quyết với các vấn đề trọng đại, trong đó có Covid-19 và Trung Quốc.
Trong ngày hôm qua, ông Trump lại đăng đàn trên Twitter, về một vấn đề tuy chưa nghiêm trọng như nhấn nút hạt nhân, nhưng cũng là chủ đề rất nghiêm túc mà ông thích nói. Đó là thật – giả trong các phát ngôn của Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ đăng trên Twitter ngày 17/4 với nội dung “Trung Quốc vừa thông báo tăng thêm 50% số người chết vì kẻ thù vô hình. Số liệu thực tế lớn hơn nhiều số đó và cũng cao hơn nhiều so với Mỹ, thậm chí cách xa!”. Phát ngôn của ông Trum đưa ra ít giờ sau khi giới chức Trung Quốc điều chỉnh số liệu người chết vì Covid -19 ở Vũ Hán từ 2.579 lên 3.869 người. Phía chính quyền Trung Quốc nói rằng, con số tăng thêm 1.290 người tử vong bị báo cáo muộn, nhầm hoặc chưa được báo cáo và những trường hợp chưa được đăng ký chứng tử.
Đây không phải lần đầu ông Trump cho rằng, sự gian dối và che đậy của Đảng cộng sản Trung Quốc trong việc cung cấp thông tin về dịch bệnh ra thế giới khiến “Virus Trung Quốc” (theo cách gọi của tổng thống Mỹ, hoặc “Virus Trung Cộng” theo cách gọi một số hãng thông tấn) gây họa toàn cầu. Tổng thống Mỹ cho rằng, cả thế giới đã ngấm đòn vì sự thiếu trung thực của chính quyền Trung Quốc.
Cùng ngày 17/4, trả lời phỏng vấn tờ Fox Business, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, Nhà Trắng đang yêu cầu Trung Quốc giải thích việc sửa số người chết tăng gấp rưỡi. Ngoại trưởng Mỹ nói sự bùng phát của Covid-19 là một ví dụ cho thấy Trung Quốc cư xử không phù hợp với các quy tắc quốc tế bởi giấu phần còn lại của thế giới thông tin và dữ liệu liên quan trước khi Covid-19 trở thành đại dịch.
Trái ngược với phản ứng của phía Mỹ, ngay sau khi Bắc Kinh sửa số liệu người chết, WHO đã lên tiếng ủng hộ Trung Quốc. Trong cuộc họp báo trực tuyến từ Geneva ngày 17/4, Maria van Kerkhove – nữ quan chức phụ trách mảng bệnh mới và bệnh truyền nhiễm của WHO nói rằng Trung Quốc sửa số liệu “nhằm không bỏ sót ca nào trong thống kê”. Bà Maria bày tỏ sự “cảm thông với Trung Quốc” và dự đoán rằng “nhiều quốc gia sẽ ở trong tình huống tương tự, khi họ xem xét lại hồ sơ để xác định đã thống kê đầy đủ hay chưa”.
Trong khi những cuộc “khẩu chiến” hình chân vạc giữa Trung – Mỹ, WHO – Mỹ, Trung Quốc – phần còn lại của thế giới nóng bỏng trên các sàn đấu của giới chính trị thượng tầng, trên các mặt báo cũng xuất hiện hàng loạt cuộc tranh luận đa chiều.
Một luồng ý kiến nghi ngờ rằng Trump và các cộng sự đang đánh lạc hướng dư luận về việc dập dịch trong nước bằng cách quay sang chỉ trích Trung Quốc. Những người này đặt câu hỏi như “New York cũng sửa số liệu người tử vong, sao không thấy giải trình?”; “Trump đang kiếm cơ đổi lỗi?”.
Những ý kiến đối lập thì cho rằng, Mỹ không hề sửa số liệu. Những ca được thêm vào là những ca tử vong nghi hoặc có liên quan đến Covid-19 nhưng chưa được xét nghiệm. Việc thêm vào này giúp phản ánh đúng hơn mức độ nghiêm trọng của bệnh gây ra do loại virus này. Điều này cho thấy Mỹ có trách nhiệm không những với người dân của mình mà với dân chúng toàn thế giới.
Những người này còn phân tích thêm, việc Mỹ, Italy, Tây Ban Nha thay đổi số liệu thống kê về bản chất khác với Trung Quốc. Trong khi đang chống dịch, Mỹ và Châu Âu muốn có con số thống kê để “đầy đủ nhất” thì Trung Quốc đưa ra sự thay đổi để có con số “phù hợp nhất”.
“Mỹ thay đổi khi dịch đang diễn ra tại nước họ, Trung Quốc đã qua đỉnh dịch gần một tháng và trước sức ép của quốc tế họ đột ngột thay đổi số liệu, nếu không ai lên tiếng mình không tin Trung Quốc sẽ sửa số liệu. Do đó Mỹ và quốc tế có quyền yêu cầu Trung Quốc giải trình”, một ý kiến nói trên tờ VnExpress.