Các kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc bị cáo buộc bịa đặt ra nhà sinh vật học Thụy Sĩ để tranh cãi về nguồn gốc Covid-19.
Theo Breitbart, ngày 10/8, đại sứ quán Thụy Sĩ ở Bắc Kinh đã vạch trần ĐCS Trung Quốc lan truyền tin giả bằng cách trích dẫn phát biểu từ một nhà sinh vật học không có thật ngoài đời nói rằng cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19 là do áp lực chính trị từ Mỹ.
Đại sứ quán Thuỵ Sĩ viết trên Twitter: “Tìm kiếm Wilson Edwards, một người được cho là nhà sinh vật học Thuỵ Sĩ, được báo chí và mạng xã hội Trung Quốc trích lời trong những ngày qua. Nếu ông tồn tại, chúng tôi muốn gặp ông! Tuy nhiên nhiều khả năng đây là tin giả, chúng tôi yêu cầu báo chí và cư dân mạng Trung Quốc gỡ các bài đăng”.
Cụ thể, một số báo lớn như Trung Hoa Nhật báo (China daily), Thời báo Hoàn Cầu (Global Time), CGTN,… đã đăng các bài báo trích dẫn bình luận từ một tài khoản Facebook có tên là Wilson Edwards về nguồn gốc của đại dịch Covid-19. Dựa trên các thông tin trên tài khoản, các trang báo này đều chú thích Wilson Edwards là một nhà sinh vật học người Thụy Sĩ.
China Daily nói Edwards đã viết trên Facebook rằng: “Là một nhà sinh vật học, tôi đã kinh ngạc khi thấy cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19 bị chính trị hóa”.
Global Time trích dẫn bình luận của Edwards rằng ông quan ngại về “sự độc lập” của WHO. Nhà sinh vật học hư cấu nói thêm rằng các cuộc điều tra về nguồn gốc virus ở Vũ Hán của WHO là kết quả từ “áp lực rất lớn” và “sự đe dọa” của Mỹ.
Đại sứ quán Thụy Sĩ tuyên bố không một công dân nào ở Thụy Sĩ mang tên Wilson Edwards, cũng như không có một bài viết học thuật nào có tên tác giả như vậy. Ngoài ra, tài khoản Facebook trên mới chỉ được lập ra 2 tuần trước.
“Dù đánh giá cao sự quan tâm đến đất nước của chúng tôi, song rất tiếc phải thông báo với người dân Trung Quốc rằng tin tức này hoàn toàn sai sự thật”, đại sứ quán cho biết.
Các tờ báo lớn của Trung Quốc hôm 11/8 đã xóa toàn bộ bài viết liên quan đến tài khoản Wilson Edwards.
Mặc dù có nhiều quan điểm cho rằng virus corona bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm của Viện virus học Vũ Hán, nhưng ĐCS Trung Quốc vẫn tuyên bố virus này đến từ phòng thí nghiệm của Quân đội Hoa Kỳ ở Fort Detrick, Maryland mà không đưa ra được bằng chứng nào. Trung Quốc cũng tuyên bố – một lần nữa mà không có bằng chứng – rằng virus Vũ Hán đã xuất hiện ở Ý.
Đây không phải lần đầu tiên truyền thông Trung Quốc bị cáo buộc bịa đặt về người phương Tây để tạo sự tin cậy cho các nỗ lực tuyên truyền của họ.
Hồi tháng 3, tờ Le Monde của Pháp đã cáo buộc CGTN bịa đặt một nhà báo Pháp giả có tên Laurene Beaumond để tranh cãi bằng chứng và nhiều cáo buộc về tội ác diệt chủng của Trung Quốc ở khu vực Tân Cương.