Một học giả gốc Hoa chỉ ra lý do vì sao Đảng Cộng sản Trung Quốc – ĐCSTQ sợ Mỹ như một tên trộm luôn sợ hãi trước cảnh sát.

Tiến sĩ Trình Hiểu Nông (Cheng Xiaonong) đưa ra bình luận trên trong một bài bình luận đăng trên The Epoch Times hôm 10/8.

Ông Trình đề cập đến cuộc gặp căng thẳng tại Thiên Tân của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman với các quan chức ngoại giao hàng đầu Trung Quốc hôm 26/7.

Trò hề Alaska tái diễn ở Thiên Tân

Ông cho rằng “Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã biến cuộc đàm phán Thiên Tân vào ngày 26/7 thành cuộc đàm phán Alaska phiên bản 2”.

Trong cả hai cuộc đàm phán, phía Trung Quốc đều lên giọng với phái đoàn Mỹ. Ông Trình gọi đây là trò hề trong quan hệ Mỹ – Trung.

Trong cuộc họp ở Thiên Tân, phía Trung Quốc đã đưa cho Mỹ 2 danh sách gồm nhiều vấn đề mà Bắc Kinh yêu cầu Washington sửa chưa.

Trong đó, có 3 yêu cầu cốt lõi, theo tiến sĩ Trình:

  • Thứ nhất, “Hoa Kỳ không được thách thức, vu khống hoặc thậm chí cố gắng lật đổ” hệ thống xã hội chủ nghĩa của ĐCSTQ;
  • Thứ hai, “Hoa Kỳ không được cố gắng cản trở hoặc càng không được làm gián đoạn quá trình phát triển của Trung Quốc”;
  • Và thứ ba, “Hoa Kỳ không được xâm phạm chủ quyền nhà nước của Trung Quốc, hoặc thậm chí gây tổn hại đến sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc”.

Ngoài ra, ĐCSTQ còn yêu cầu Mỹ phải đáp ứng đầy đủ các nhu cầu kinh tế của Trung Quốc; như bán phá giá ồ ạt các sản phẩm vi phạm bản quyền và hàng giả; đánh cắp hàng loạt bí mật kỹ thuật của Mỹ; và tiếp tục duy trì thặng dư thương mại khổng lồ với Mỹ.

Theo tiến sĩ Trình, Bắc Kinh thậm chí còn thách thức Mỹ bằng cách yêu cầu Mỹ không được quan tâm đến các hành động quân sự của ĐCSTQ chống lại Đài Loan.

ĐCSTQ không muốn hợp tác Mỹ

Tiến sĩ Trình cho biết, Trung Quốc giành được các tiến bộ công nghệ trong hầu hết các ngành công nghiệp thông qua việc “ăn trộm và ăn cướp từ các nước dân chủ”.

Ông giải thích rằng hành vi “ăn cướp” chính là việc ép buộc các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ của họ cho Trung Quốc.

Tiến sĩ Trình cho biết: “Việc đánh cắp các nỗ lực nghiên cứu công nghệ của phương Tây là một con đường tắt lý tưởng cho ĐCSTQ; và Hoa Kỳ đã trở thành mục tiêu chính cho hành vi trộm cắp đó. Do đó, sự thù địch của ĐCSTQ đối với Hoa Kỳ bắt nguồn sâu xa từ tâm lý ‘kẻ trộm sợ cảnh sát'”.

Ông bình luận: “Một tên trộm chuyên nghiệp sẽ không sẵn sàng hợp tác với cảnh sát trừ khi cảnh sát bị kẻ trộm mua chuộc và tham nhũng”.

ĐCSTQ sợ Mỹ như kẻ trộm sợ cảnh sát

Công cụ tìm kiếm Baidu của Trung Quốc cho biết người Hoa có thường ví Mỹ là cảnh sát quốc tế. Trong khi đó, các hành vi trộm cắp tài sản nước ngoài của Trung Quốc được biết đến trên khắp thế giới.

Tiến sĩ Trình cho biết: “Mặc dù Trung Quốc đã tham gia ký kết Hiệp ước Bản quyền của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (Hiệp ước Bản quyền WIPO hay WCT), nhưng ĐCSTQ tuyệt đối không muốn trung thực tuân thủ và phát triển nền kinh tế của mình mà không ăn cắp hoặc ăn cướp”.

Tiến sĩ bình luận: “Cũng giống như những tên trộm sợ cảnh sát, ĐCSTQ sợ Mỹ. Họ lo sợ Mỹ sẽ không để cho nó ăn cắp; và Mỹ cũng như các nước phương Tây khác sẽ nhìn ra những điểm yếu bẩm sinh của nó”.

“Trước kia, ĐCSTQ đã che giấu ý định thực sự của mình, giả vờ là người tốt và thân thiện, nhưng trên thực tế, nó đang từng bước mở rộng hành vi trộm cắp công nghệ của mình”, tiến sĩ Trình cho biết.

“Khi các hoạt động trộm cắp công nghệ có tổ chức quy mô lớn bị phanh phui, nó trở nên vô cùng tức giận, nhưng nó sẽ không bao giờ sửa chữa những hành vi sai trái của mình. Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã bắt quả tang ĐCSTQ và sử dụng các cuộc đàm phán thương mại để buộc nó phải chấm dứt hành vi trộm cắp công nghệ. Đó là lý do thực sự khiến Tổng thống Trump bị Đảng Cộng sản Trung Quốc ghét bỏ.”

ĐCSTQ đang dùng chiến thuật cưỡng chế với chính quyền Biden

Ông Trình cho biết “ĐCSTQ đã bị dồn vào chân tường bởi các biện pháp đối phó của ông Trump và gặp bất lợi về mặt ngoại giao”.

Tiến sĩ cho biết, giờ đây, với chính quyền Biden, Bắc Kinh đang tăng cường các chiến thuật cưỡng chế, nhằm buộc Tổng thống Joe Biden phải nhượng bộ.

Ông Trình cho rằng, khi đã hiểu được chiến lược này của ĐCSTQ thì “gần như hoàn có thể dự đoán được rằng trò hề Alaska giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ được mô phỏng lại nhiều lần”.

Tiến sĩ nhận định: “Kỳ vọng về sự tái thiết và cải thiện trong quan hệ Mỹ – Trung, và hy vọng rằng ĐCSTQ sẽ tuân thủ hợp lý các quy tắc quốc tế, sẽ không còn nữa”.