Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã mang một gói quà nặng ký tới Philippines trong bối cảnh Bắc Kinh đang tìm cách xoa dịu các nước tranh chấp ở Biển Đông, nhằm loại bỏ ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.
Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana tại Manila vào ngày 11/9, ông Ngụy đã công bố một gói tài trợ trị giá 130 triệu nhân dân tệ ( khoảng 20 triệu USD) cho quân đội Philippines. Gói tài trợ sẽ được triển khai dưới dạng các trang thiết bị hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa.
Báo Nikkei của Nhật Bản nhận định đây là một phần trong chiến thuật dụ dỗ của Trung Quốc đối với các nước trong khu vực. Các nhà quan sát nhận định Trung Quốc đang cố gắng tăng cường quan hệ với các nước tranh chấp nhằm loại bỏ ảnh hưởng của Mỹ trong việc duy trì luật pháp quốc tế. Hồi tháng 7, chính quyền Tổng thống Trump đã bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông.
Gói tài trợ của Trung Quốc là một món quà nặng ký đối với Philippines. Hãng tin ABS-CBN trích lời Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trước khi ông tới dự Diễn đàn châu Á Bác Ngao ngày 9/4/2018: “Tôi đến Trung Quốc là vì tiền, sự thật là chúng tôi cần tiền”.
Trong chuyến thăm Trung Quốc năm 2016, ông Duterte từng gọi Phán quyết Biển Đông chỉ là “mảnh giấy”. Phán quyết Biển Đông là một chiến thắng theo đơn kiện của Philippines trong đó tòa án quốc tế bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Lorenzana là người có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc về vấn đề chủ quyền. Tuy nhiên gần đây ông cũng có dấu hiệu lùi bước trước ảnh hưởng từ Bắc Kinh. Cụ thể, sau cuộc họp với ông Ngụy hôm 11/9, Bộ Quốc phòng Philippines đã đưa ra một thông cáo tóm tắt cuộc họp, với những trích dẫn mạnh mẽ của ông Lorenzana. Tuy nhiên, ngay sau đó Manila đã thu hồi thông cáo này và thay thế bằng một bản tuyên bố khác, trong đó hai bên cam kết hợp tác, “tránh hiểu lầm” trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông diễn biến phức tạp.
Không chỉ tới Philippines, ông Ngụy trong tuần qua cũng đã thăm Malaysia, Indonesia và Brunei. Tranh chấp hàng hải cũng nằm trong chương trình nghị sự khi ông Ngụy đến thăm Malaysia và Indonesia. Tháng trước, Malaysia đã đệ trình một công hàm lên Liên Hợp Quốc bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Nikkei đánh giá các chuyến thăm này tránh phô trương và ít tuyên bố công khai, trái ngược với Hội nghị thượng đỉnh Đông Á gần đây, trong đó Bắc Kinh thể hiện giọng điệu đối đầu với các nước khác.