Cổ nhân có câu “Tướng do tâm sinh, cảnh tùy tâm chuyển. Thực tế chúng ta có thể kiểm nghiệm được, vậy hãy tạo cho mình tâm thái sống tích cực hơn.
- 5 quý nhân trong đời bạn, gặp được họ nhất định phải biết ơn
- 4 cảnh giới tu dưỡng giúp chúng ta sống an nhiên tự tại
Một người giàu hay nghèo, sướng hay khổ không nằm ở vật chất, hoàn cảnh bên ngoài; mà chính do cái tâm của họ quyết định. Chúng ta cần học được cách điều chỉnh tâm thái; giữ một tâm thái tích cực thì sẽ luôn thấy con đường phía trước rộng mở. Bởi vì con người chỉ cần không đánh mất phương hướng thì sẽ không đánh mất chính mình.
Đặc biệt, muốn sống vui vẻ thì nhất định phải có một tâm thái đúng đắn. Người xưa có câu: “Nếu sự thật không thể thay đổi được, thì chỉ có thể tự thay đổi bản thân!”
Cách điều chỉnh tâm thái để sống tích cực hơn trong cuộc sống
Dục vọng không nên quá nhiều
Dục vọng (ham muốn) là cái bẫy của cuộc đời; nếu không biết kiểm soát dục vọng sẽ khiến chúng ta làm điều sai lệch, hối hận thống khổ rất khó vãng hồi. Do vậy, nếu ai có thể khống chế được những ham muốn ở một chừng mực cho phép; thì ít nhất là có thể làm chủ được ý thức của mình.
Nếu không thể kiểm soát được dục vọng đồng nghĩa với việc là không thể làm chủ được ý thức của bản thân. Trái lại, chính là bản thân bị dục vọng dẫn đi mất phương hướng; chỉ để thỏa mãn ham muốn đó. Người có dục vọng càng nhiều, càng mong muốn có được nhiều thì tâm thái sẽ rất khó có được sự bình an và nghĩ tích cực. Bởi vì cái tâm người ấy luôn phải đặt trong trạng thái so đo, tính toán, ganh đua, mãi không dứt ra được.
Do vậy, muốn có cuộc sống an nhiên, tinh thần sảng khoái; thì không được có quá nhiều dục vọng.
So đo, tính toán, ganh đua không nên quá nặng nề
Nếu một người lúc nào cũng so đo, tính toán, ganh đua với người khác thì sẽ tự bó tâm hồn mình vào cái khung đau khổ. Những cảm xúc khoái hoạt, vui vẻ, hạnh phúc sẽ tự rời xa họ cho tới khi những tâm thái tiêu cực kia giảm bớt đi, mất đi.
Ganh đua không chỉ “giết chết” sự vui vẻ mà còn làm mất đi vận may của một người. Hơn nữa, nó còn dễ gây ra một số bệnh lý cho cơ thể và tình thần không thoải mái.
“Tướng do tâm sinh”, nếu tâm chúng ta luôn so đo, đố kỵ với người thì toát ra tướng mạo không thể thanh thản. Người đối diện sẽ cảm nhận được từ tướng mạo và trường năng lượng bất thuần của chúng ta toát ra. Nó rất không tốt cho sự giao thiệp với người khác.
Phải học được cách “buông”
Đừng mãi canh cánh trong lòng những chuyện không vui trong quá khứ. Điều gì qua hãy để gió cuốn đi, điều thật sự cần thiết là hiện tại. Chúng ta không thể thay đổi quá khứ; nhưng có thể thay đổi tương lai mà bắt đầu từ hiện tại.
Học cách quên đi, buông đi để giảm thiểu rất nhiều những phiền não không đáng có. Học cách tập trung vào hiện tại để cảm nhận sự trân quý cuộc sống và những gì đang có. Khi bạn đã có một tâm thái đúng đắn, tự nhiên mọi thứ xung quanh sẽ trở nên tốt đẹp. Vạn vật sinh sôi nảy nở không ngừng nghỉ, đời người cùng già đi. Hà cớ gì cứ phải níu kéo và đắm mình trong những giây phút đã xưa cũ.
Để có được tâm thái tốt, cần giảm bớt những cảm xúc tiêu cực.
Cách làm giảm bớt những cảm xúc tiêu cực để sống tích cực hơn
Học cách trở nên tĩnh lặng
Chúng ta tập thói quen với việc giữ cho tâm trí tĩnh lặng, không suy nghĩ khi không có việc cần thiết. Tránh dòng ý nghĩ miên man không đâu vào đâu cứ lảng vảng trong đầu. Để giảm những suy nghĩ của bản thân lại thì học cách hạ cái tâm cao ngạo xuống, giảm bớt ham muốn lại. Một khi ham muốn và truy cầu ít đi thì suy nghĩ sẽ ít lại; giống như việc “lùi một bước, biển rộng trời cao”.
Thầy giáo của hai vị Hoàng đế cuối đời nhà Thanh đã dạy học trò mình rằng: “Đối diện với mỗi việc lớn cần phải tĩnh khí”. Có tĩnh khí mới có thể bảo trì trí óc thanh tỉnh, nhìn xa trông rộng; cần nhìn thấu được cái tinh thâm của trời đất và quy luật của vạn vật. Có tĩnh khí mới dũng cảm trước những thứ danh lợi đời người.
Dưỡng được tĩnh khí, thì khi chúng ta gặp bất kể chuyện gì đều sẽ giữ được bình tĩnh; cử trọng nhược khinh (nâng vật nặng như nâng vật nhẹ); không bị chi phối tâm tưởng bởi những cảm xúc tiêu cực.
Học cách trân quý bản thân mình nhiều hơn
Chỉ có yêu thương và trân quý chính bản thân mình mới có thể yêu thương được người khác. Nếu có đủ năng lực, hãy thường xuyên giúp đỡ người khác trong khả năng. Như vậy, chúng ta cho đi nhiều thì tự sẽ được lại những niềm vui và ý nghĩa cuộc sống. May mắn cũng sẽ đến với những ai biết cho đi và vì người khác.
Cho đi giá trị, nhận lại niềm vui và sự hạnh phúc trong tâm hồn. Đây cũng là cách yêu thương và tự tạo niềm vui cho mình. Những cảm xúc tiêu cực sẽ tự rời xa khi chúng ta biết sống vì người khác và tạo giá trị bản thân.
Học cách bảo trì tâm thái bình hòa bạn sẽ sống tích cực hơn
Mỗi khi gặp những sự việc không vừa ý; việc đầu tiên cần làm là cho mình một khoản hòa hoãn và giữ tâm bình tĩnh. Sau đó, những nhận định và quyết định sẽ tự có lý trí. Đời người, ai cũng phải gặp những nghịch cảnh. Chỉ cần để mọi việc thuận theo tự nhiên, giữ tâm cho chính và bình hòa là đủ để vượt qua tất cả sóng gió.
Để cảm thấy cuộc đời không bất công, chúng ta hãy học cách đón nhận mọi thứ một cách tự nhiên. Cái gì đến hãy để nó đến tự nhiên; cái gì cần ra đi hãy để nó đi nhẹ nhàng. Chỉ có quản cái tâm thái của mình cho tĩnh lặng trước mọi thứ vận động xung quanh đời.
Học cách thôi dừng so sánh bản thân với người khác
Sống trên đời, mỗi người là một bức tranh riêng biệt; có hoàn cảnh, gia đình, công việc khác nhau; tính cánh và suy nghĩ khác nhau… nên là số mệnh an bài cũng khác nhau. Nếu hiểu rằng mỗi người chúng ta là duy nhất trên đời này thì còn so sánh với ai đây?
Học cách thấu hiểu triết lý nhân sinh của đời người; học cách yêu thương thay vì đố kỵ. Kỳ thực, không phải việc so sánh bản thân với người khác là sai nhưng nó cũng lại không đúng. So sánh chỉ để tăng thêm cảm xúc tiêu cực và dục vọng mà thôi.
Ai cũng có những ưu điểm riêng của bản thân; và ai cũng có nỗi khổ riêng mà không thể nào giải bày với người khác. Nhưng khi so sánh, người ta thường lấy điểm yếu của bản thân để so sánh với điểm mạnh của đối phương, từ đó sinh ra cảm giác tự ti về chính mình. Chẳng phải, điều đó chỉ làm tổn hại cái tích cực và sự yên tĩnh trong tâm thái của bản thân mình hay sao?
Tập thói quen làm bạn với sách giúp cuộc sống tích cực hơn
Đọc sách cũng là một quá trình hấp thu kiến thức mới; như cơ thể cần bổ sung dinh dưỡng thường hằng vậy. Đọc sách tốt, chúng ta sẽ hấp thu được dinh dưỡng tốt; nuôi nấng được một tâm hồn mình cao thượng.
Đọc sách không chỉ để lấy tri thức mà đọc sách còn là liệu pháp để tẩy rửa tâm linh mỗi người. Sách tốt là thầy giỏi, sách mang lại những lợi ích cho cả trí tuệ lẫn tinh thần chúng ta.
Học cách tin tưởng vào chính mình để sống tích cực hơn
Bất luận gặp phải sự tình gì, chúng ta nhất định đừng đánh mất niềm tin vào chính mình!
Bởi vì nếu chính bản thân ta cũng không tin tưởng mình; thì hỏi ai có thể dám đặt niềm tin nơi mình đây? – Lòng tin nó có sức mạnh làm nên những điều không thể thành có thể. Đừng bao giờ tự coi thường chính bản thân. Dù người khác có khinh ta, ta nhất định đừng khinh mình.
Người xưa có câu: “Nếu bạn muốn mình trở thành người như thế nào, chỉ cần cố gắng thực hiện, bạn sẽ đạt được điều đó”. Con người một khi mất lòng tin nơi mình thì sẽ không thể làm nên được điều gì.
Trân quý những người bên cạnh mình
Mỗi người xuất hiện trong đời chúng ta đều đã được an bài; đó chính là duyên phận. Và mỗi người đều có ý nghĩa riêng với cuộc đời ta, do vậy đừng bao giờ cho mình quyền làm tổn thương người khác.
Có câu rằng “Mình không thích điều gì, thì đừng làm cho người khác”. Trân quý người khác chính là trân quý chính mình vậy. Cho dù không được người khác đáp lại thì hãy làm người lương thiện. Sức mạnh của “lương thiện” có thể cảm hóa vạn vật và làm tan chảy mọi thứ. Chỉ cần chúng ta biết trân trọng người khác, họ sẽ cảm nhận được điều đó. Cho đi chính là nhận lại!
Biết trân quý mọi người, tâm thái sẽ luôn tích cực và bảo trì sự lương thiện. Đó chính là tự tạo phúc khí và may mắn cho tương lai mình.
Dám đối mặt với mọi sự trong cuộc đời
Chỉ có sự hiện hữu, dám đối mặt với nghịch cảnh, đừng né tránh, đừng sợ hãi… Một tâm thái đúng đắn chính là dám đương đầu với thử thách bằng tấm lòng chân thành và thiện lương. Đừng dùng mưu kế, đừng dùng thủ đoạn đừng tự lừa gạt bản thân; chỉ cần sự ngay thẳng và thiện tâm; chắc chắn mọi thứ sẽ được giải quyết êm đềm.
Trong cuộc sống, dù xảy ra điều gì thì mỗi ngày chúng ta đều cần bảo trì tâm thái vui vẻ, lạc quan. Nếu như gặp những sự tình phiền lòng, hãy học cách vỗ về chính mình; tự cởi trói cho mình, tự mở cửa tấm lòng mình để đón lấy những điều tích cực.
Vũ trụ có quy luật tương ứng, khi chúng ta tích cực sẽ hút những người tích cực và mọi việc tích cực.
Muốn có một tâm thái tốt, hãy dùng “lòng biết ơn” để nhìn thế giới; dùng “trái tim” cảm nhận thế giới. Nếu làm được giảm thiểu những cảm xúc tiêu cực; cuộc sống tự nhiên sẽ tốt đẹp và an nhiên tự tại.
Trân quý những điều thân thuộc để sống tích cực hơn mỗi ngày
Thân thể: Đây là điều quan trọng nhất của sự sống; người xưa giảng: “Thân người khó được”, cho nên trong lục đạo luân hồi, đắc được thân người là quý giá nhất.
Sức khỏe: Người ta nói có sức khỏe là có tất cả, bởi vì nếu đã không có sức khỏe thì hết thảy những điều khác chỉ là con số không.
Công việc: Cuộc đời trở nên ý nghĩa khi chúng ta có công việc và tạo ra giá trị cho xã hội; đồng thời nuôi sống bản thân và gia đình. Đó chẳng phải là tài phú quan trọng mà ta vẫn làm mỗi ngày sao?
Gia đình: Ai cũng có cha mẹ, gia đình, dù hạnh phúc hay không thì cũng là gia đình của ta. Chỉ là chúng ta tự làm phức tạp mọi thức để rồi quên đi mất rằng gia đình là tổ ấm sưởi ấm con tim.
Bạn bè: Những lúc phiền não, buồn chán, ngoài gia đình ra chúng ta còn có những người bạn tốt. Chẳng phải đó là tài phú mà cần trân trọng sao?
Tâm thái tích cực: Cổ nhân có câu: “Tướng do tâm sinh, cảnh tùy tâm chuyển”. Hết thảy mọi sự tình trong đời người đều phát sinh và thay đổi thuận theo diễn biến nội tâm người đó. Mà nội tâm là thứ có thể kiểm soát được nếu biết cách tu dưỡng…
“Tôi không thể thay đổi hướng gió, nhưng tôi có thể điều chỉnh những cánh buồm để đến được nơi tôi đã định”. Sống tích cực có thể thay đổi vận mệnh.