Site icon Tin360

Video quan chức y tế Đan Mạch ngất xỉu khi tuyên bố dừng tiêm vĩnh viễn vắc xin AstraZeneca

Bà Tanja Erichsen, quyền Giám đốc Giám sát tác dụng phụ của dược phẩm tại Cơ quan Dược phẩm Đan Mạch, bất ngờ ngất xỉu (ảnh chụp màn hình video).

Đan Mạch ngày 14/4 thông báo sẽ dừng hoàn toàn việc sử dụng vắc xin AstraZeneca do tác dụng phụ đông máu hiếm gặp nhưng gây hậu quả nghiêm trọng. Một trong những quan chức y tế hàng đầu của nước này đã ngất xỉu và gục xuống ngay giữa buổi họp báo tuyên bố thông tin trên.

Theo hãng RT (Nga), khi người đứng đầu Cơ quan Y tế Đan Mạch, ông Soeren Brostroem, thông báo quyết định ngừng sử dụng vĩnh viễn vắc xin ngừa COVID-19 của AstraZeneca, bà Tanja Erichsen, quyền Giám đốc Giám sát tác dụng phụ của dược phẩm tại Cơ quan Dược phẩm Đan Mạch, bất ngờ ngất xỉu. 

Đoạn video cho thấy bà Erichsen có biểu hiện choáng váng, sau đó đổ nghiêng sang một bên, trên tay vẫn cầm cốc nước.

Cú ngã của bà đã làm ông Brostroem và mọi người vô cùng hoảng sợ. Ngay lập tức, ông Brostroem vội cắt ngang bài phát biểu và cùng các quan chức khác chạy tới đỡ bà. 

Cơ quan quản lý dược phẩm cho biết bà Erichsen đã tỉnh lại nhưng vẫn được đưa đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe. Tuy nhiên, giới chức Đan Mạch không giải thích nguyên nhân tại sai bà Erichsen ngất xỉu. 

Tờ Reuters đưa tin Đan Mạch trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu ngừng sử dụng vắc xin AstraZeneca do Anh-Thụy Điển phát triển. 

Ông Brostroem thông báo kết quả của các cuộc điều tra về tình trạng đông máu liên quan đến AstraZeneca “cho thấy những tác dụng phụ thực sự nghiêm trọng”.

“Do đó, chúng tôi quyết định loại vắc xin này ra khỏi chương trình tiêm chủng đối với tất cả các nhóm mục tiêu”, vị quan chức cho hay.

Tuần trước, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) cho biết có sự liên hệ giữa vắc xin AstraZeneca với tình trạng đông máu hiếm gặp gọi là huyết khối xoang tĩnh mạch não (CVST) ở những bệnh nhân đã tiêm loại vắc xin này.

Từ ngày 11/3, Đan Mạch, Iceland cùng Na Uy đã đình chỉ việc sử dụng vắc xin AstraZeneca. Theo sau là một số quốc gia châu Âu khác, bao gồm Pháp, Đức và Ý.