Xuất khẩu cà-phê Việt Nam đạt 5,45 tỷ USD chỉ trong 6 tháng đầu năm 2025, gần bằng toàn bộ kim ngạch của năm 2024, mở ra cơ hội lớn để cán mốc 7 tỷ USD.
- Sự ỷ lại của con cái: Gánh nặng âm thầm trên vai cha mẹ hiện đại
- Khởi tố Phó Cục trưởng Cục Phòng bệnh Lê Hoàng
- Thanh Hóa: Phát hiện hơn 13 tấn chân gà ngâm hóa chất chuẩn bị tuồn ra thị trường
Giá xuất khẩu tăng mạnh nhờ chất lượng cải thiện
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, lượng cà-phê xuất khẩu trong nửa đầu năm đạt gần 954.000 tấn, với giá trung bình hơn 5.700 USD/tấn – tăng hơn 59% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giá cao kỷ lục, phản ánh nhu cầu tăng mạnh trên thị trường toàn cầu, trong bối cảnh nguồn cung thế giới suy giảm và chất lượng cà-phê Việt Nam ngày càng được đánh giá cao.
Trong 10 năm trở lại đây, cà-phê Robusta Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ, được các thương hiệu rang xay lớn ở châu Âu, Mỹ, Italia ưa chuộng. Cùng với đó, giá cà-phê liên tục tăng kể từ năm 2023 đến nay, giúp giá trị xuất khẩu tăng mạnh dù sản lượng không tăng quá nhiều.
Cà-phê đặc sản và chế biến sâu lên ngôi
Một trong những động lực tăng trưởng mới của ngành là sự chuyển dịch sang xuất khẩu các dòng cà-phê chế biến sâu và cà-phê đặc sản. Các doanh nghiệp như Phúc Sinh đã tiên phong phát triển sản phẩm như Honey Process Coffee, Natural Process Specialty Coffee từ vùng nguyên liệu Arabica Tây Bắc.
Nhờ đặc tính nổi bật như hương thơm tự nhiên, độ cân bằng, độ sạch và hậu vị ngọt, các dòng cà-phê đặc sản được thị trường đánh giá cao và sẵn sàng chi trả mức giá cao gấp nhiều lần cà-phê thô. Đây là hướng đi đầy triển vọng giúp ngành cà-phê Việt Nam tăng giá trị gia tăng và thoát khỏi tình trạng phụ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu thô.
Thị trường truyền thống tăng mạnh, mở rộng thị phần mới
Trong 6 tháng đầu năm, Đức, Italia và Tây Ban Nha tiếp tục là 3 thị trường tiêu thụ cà-phê lớn nhất, với mức tăng trưởng ấn tượng. Riêng Đức tăng gấp 2,2 lần, Italia tăng 45,1%, Tây Ban Nha tăng gần 56%. Đáng chú ý, xuất khẩu sang Mexico tăng tới 71,6 lần, trong khi Trung Quốc cũng tăng gần 23%.
EU vẫn là thị trường quan trọng nhất, với kim ngạch hơn 983 triệu EUR chỉ trong 4 tháng đầu năm. Tuy nhiên, phần lớn vẫn là cà-phê thô, khiến biên lợi nhuận chưa cao. Thương vụ Việt Nam tại EU nhận định: doanh nghiệp cần nhanh chóng đẩy mạnh cà-phê chế biến, đặc sản, và đạt chuẩn xanh – sạch để bắt kịp xu hướng tiêu dùng tại thị trường khó tính này.
Ngoài EU, nhiều thị trường tiềm năng khác như Anh, Canada, Nhật Bản cũng có dấu hiệu tăng trưởng, tạo dư địa mở rộng cho cà-phê Việt Nam.
Chuyển dịch chiến lược để đạt mục tiêu 7 tỷ USD
Việc xác lập kỷ lục mới trong 6 tháng đầu năm 2025 không chỉ là dấu mốc quan trọng mà còn là tín hiệu tích cực cho mục tiêu cán mốc 7 tỷ USD xuất khẩu trong cả năm. Tuy nhiên, để đạt được điều này, ngành cà-phê cần tập trung mạnh vào chiến lược chuyển dịch từ “xuất khẩu nguyên liệu” sang “xuất khẩu giá trị gia tăng”.
Đây là lúc các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư công nghệ chế biến, xây dựng thương hiệu, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng và tận dụng ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do. Cùng với đó, việc đón đầu xu hướng tiêu dùng bền vững – xanh – sạch sẽ là yếu tố then chốt để cà-phê Việt Nam giữ vững vị thế trên thị trường thế giới trong những năm tới.
Theo: Báo Nhân Dân