VinSpeed đề xuất đầu tư 1,56 triệu tỷ đồng cho đường sắt cao tốc Bắc Nam, kết hợp mô hình tài chính linh hoạt và phát triển đô thị theo hướng TOD hiện đại.
- Thỏa thuận đình chiến thuế quan, Trung Quốc chuẩn bị cho giai đoạn căng thẳng với Mỹ
- Vụ buôn lậu đất hiếm gây thiệt hại 736 tỷ đồng: Cựu Thứ trưởng Bộ TN&MT bị đề nghị án treo
- Vương hậu Tây Ban Nha Letizia – Biểu tượng thanh lịch vượt thời gian
VinSpeed kiến nghị mô hình tài chính linh hoạt, giảm áp lực ngân sách Nhà nước
Ngày 14/5, Công ty CP Đầu tư và Phát triển đường sắt cao tốc VinSpeed chính thức đăng ký đầu tư tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam.
Tổng mức đầu tư của dự án lên tới hơn 1.560.000 tỷ đồng (khoảng hơn 61 tỷ USD). Mức chi phí này chưa bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư.
VinSpeed cam kết thu xếp 20% tổng vốn đầu tư, tương đương hơn 312.000 tỷ đồng (khoảng 12 tỷ USD) từ nguồn vốn tư nhân. 80% vốn còn lại, tương ứng hơn 1.248.000 tỷ đồng, VinSpeed đề xuất được vay từ nguồn vốn Nhà nước không tính lãi suất trong 35 năm.
Phương án tài chính này có thể giúp giảm đáng kể gánh nặng ngân sách so với phương án đầu tư công theo Nghị quyết 172/2024/QH15. Dự án được kỳ vọng sẽ mở đường cho sự tham gia sâu rộng hơn của khu vực tư nhân vào các công trình hạ tầng quy mô quốc gia.
VinSpeed dự kiến khởi công dự án trước tháng 12/2025 và đưa vào khai thác toàn tuyến trước tháng 12/2030.
Hợp tác công nghệ và đô thị TOD: Chiến lược đa tầng thúc đẩy tăng trưởng
VinSpeed hiện đang đàm phán với các tập đoàn công nghệ đường sắt hàng đầu đến từ Trung Quốc, Nhật Bản và Đức. Mục tiêu chuyển giao công nghệ, sản xuất trong nước các đầu máy, toa xe, hệ thống điều khiển và tín hiệu.
Doanh nghiệp sẽ tổ chức đào tạo nhân lực kỹ thuật để từng bước làm chủ công nghệ, phục vụ phát triển lâu dài ngành đường sắt.
Bên cạnh phát triển tuyến đường sắt, VinSpeed sẽ hợp tác với Vingroup (VIC) và Vinhomes (VHM) phát triển các khu đô thị thông minh theo mô hình TOD.
TOD (Transit-Oriented Development) là mô hình phát triển đô thị gắn với hạ tầng giao thông công cộng, đang được áp dụng tại nhiều nước phát triển.
Các khu vực quanh ga, vốn hiện còn thưa dân và thiếu tiện ích, sẽ được quy hoạch lại, nâng cấp hạ tầng, thu hút dân cư và đầu tư. Giải pháp này không chỉ tạo thêm nguồn thu hỗ trợ hoàn vốn mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng.
VinSpeed kỳ vọng mô hình TOD sẽ góp phần tạo chuyển biến rõ rệt trong diện mạo đô thị, hạ tầng và đời sống người dân địa phương.
Doanh nghiệp tư nhân tiên phong trong phát triển hạ tầng chiến lược
Bà Dương Thu Vân – Phó Tổng Giám đốc VinSpeed – gọi đây là thời điểm lịch sử với khối doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Theo bà Vân, sự ủng hộ và kỳ vọng từ Nhà nước và nhân dân là động lực để VinSpeed mạnh dạn đăng ký dự án này.
Bà khẳng định VinSpeed sẽ hành động quyết liệt, sáng tạo, chủ động để triển khai thành công dự án trong thời gian cam kết. Đồng thời hợp tác sâu rộng với các công ty trong nước để phát triển toàn tuyến đồng bộ và bền vững.
Dự án không chỉ là bước ngoặt hạ tầng giao thông mà còn tạo cú hích cho ngành công nghiệp đường sắt cao tốc Việt Nam.
Nguồn: Tiền Phong