Trung Quốc điều 28 máy bay quân sự, trong đó có các oanh tạc cơ có khả năng mang vũ khí hạt nhân, tiến sâu vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan. Đây là số lượng lớn nhất từng được ghi nhận.
- Cập nhật 16/6: Tuyển Việt Nam hãnh diện với thế giới; Trung Quốc phải minh bạch về nguồn gốc Covid-19
- Mike Lindell: Sau 6 tháng kể từ bây giờ, ông Trump sẽ được phục chức Tổng thống
- Ông Pompeo tin chắc Viện Virus học Vũ Hán liên quan đến quân đội Trung Quốc
Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, vụ “xâm nhập” xảy ra hôm 15/6, không lâu sau khi nhóm G7 thể hiện sự đoàn kết với quốc đảo này và lên án các hành động đe dọa của Trung Quốc.
Hãng tin Reuters bình luận đây là đợt “xâm nhập” lớn nhất của máy bay quân sự Trung Quốc kể từ khi Bắc Kinh bắt đầu các hoạt động quân sự gây sức ép lên Đài Bắc, phá vỡ kỷ lục 25 máy bay được ghi nhận hôm 12/4.
Trong số 28 máy bay được không quân Trung Quốc triển khai áp sát hòn đảo, có tới 20 chiến đấu cơ J-11 và J-16, 4 máy bay ném bom H-6 có khả năng mang vũ khí hạt nhân, 2 máy bay săn ngầm/cảnh báo sớm Y-8 và 2 máy bay chỉ huy, cảnh báo trên không KJ-500.
Đồ họa được Bộ Quốc phòng Đài Loan công bố cho thấy nhóm máy bay Trung Quốc đã vượt qua đường trung tuyến trên eo biển Đài Loan, sau đó chia thành 2 hướng và tiếp tục đi sâu vào ADIZ.
Nhóm gồm 16 chiến đấu cơ J-11 và J-16 bẻ ngoặt về hướng quần đảo Đông Sa đang do Đài Loan kiểm soát. Nhóm còn lại gồm các oanh tạc cơ H-6, Y-8 và 4 chiếc J-16 đi sâu vào ADIZ, vòng xuống cực nam của đảo Đài Loan và tiếp tục bay thẳng về phía đông bắc trước khi quay đầu.
Bộ Quốc phòng Đài Loan cho hay hệ thống tên lửa phòng không của hòn đảo đã được kích hoạt, các máy bay chiến đấu cũng được triển khai để giám sát và cảnh báo nhóm máy bay Trung Quốc.
Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa bình luận về vụ việc.
Trước đó, trong cuộc họp báo ngày 4/6, đại tướng Kenneth S. Wilsbach, tư lệnh Không quân Mỹ tại Thái Bình Dương, đã gọi các vụ “xâm nhập” của máy bay Trung Quốc là hành động leo thang căng thẳng. Tướng Wilsbach cũng cho rằng động thái này có thể dẫn tới các “tính toán sai lầm” và thổi bùng xung đột trong khu vực, theo Tuổi trẻ.