Mục điểm tin cập nhật trên các trang báo sáng 20/7 xin gửi đến quý vị những nội dung chính sau
Tin trong nước:
- 15 công ty Nhật đăng ký xin rời Trung Quốc sang Việt Nam
- Phó chủ tịch thị xã cấp 1.059 sổ đỏ cho một gia đình, cá biệt có ngày cấp tới 107 sổ.
- Gần 19.000 doanh nghiệp ở TP.HCM ngừng hoạt động 6 tháng đầu năm vì Covid-19
Tin thế giới:
- Đấu với Trung Quốc, Ấn Độ đã sẵn sàng chơi ‘quân bài Tây Tạng’?
- Mỹ cáo buộc Trung Quốc dùng doanh nghiệp nhà nước làm công cụ thực thi yêu sách “đường 9 đoạn”
- Mỹ và Trung gây gổ tới Myanmar
- Trung Quốc ‘để lộ’ 8 chiến đấu cơ ở Hoàng Sa của Việt Nam để làm gì?
- Bộ Y tế Iran giải thích về con số 25 triệu ca nhiễm nCoV
Sau đây là nội dung chi tiết
Tin trong nước
(VnExpress) – 15 công ty Nhật đăng ký xin rời Trung Quốc sang Việt Nam. Tổ chức xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (Jetro) vừa công bố danh sách 30 doanh nghiệp nước này (trên tổng số hơn 100 công ty đăng ký dự án đa dạng hoá chuỗi cung ứng) được nhận trợ cấp để chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Lào.
Một nửa danh sách này là các công ty đăng ký chuyển sang Việt Nam, gồm doanh nghiệp quy mô lớn, nhỏ và vừa (SME). Chưa rõ việc di dời này là một phần hay toàn bộ hoạt động sản xuất của họ tại Trung Quốc.
(Tuổi Trẻ) – Phó chủ tịch thị xã cấp 1.059 sổ đỏ cho một gia đình, cá biệt có ngày cấp tới 107 sổ. Trong vòng 1 năm, phó chủ tịch UBND thị xã Thuận An (Bình Dương) cấp 1.059 sổ đỏ cho một gia đình phân lô bán nền, cá biệt có ngày cấp tới 107 sổ.
Điều đáng nói, sổ đỏ được cấp trong khi các khu đất nông nghiệp này không làm thủ tục tách thửa, không chuyển mục đích sử dụng (tránh mất 41,4 tỷ đồng phí). Đã vậy bằng chiêu “tặng đất cho người nhà, dòng họ”, hàng nghìn cái nền được chia nhau đem bán mà không mất một xu phí trước bạ và thuế thu nhập.
(Tuổi Trẻ) – Gần 19.000 doanh nghiệp ở TP.HCM ngừng hoạt động 6 tháng đầu năm vì Covid-19. Số liệu thống kê của Cục Thuế TP.HCM mới công bố cho thấy trong 6 tháng đầu năm có đến 18.743 doanh nghiệp ngừng hoạt động, bao gồm 3.491 doanh nghiệp giải thể, 7.193 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động và 3.397 trường hợp doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh… Trong đó tập trung nhiều nhất ở quận 1 và quận Tân Bình.
Đây chủ yếu là các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân (chiếm đến 98,15%), trong đó số doanh nghiệp đã hoạt động từ 3 đến 9 năm chiếm đến hơn một nửa.
Xét về ngành nghề, những doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ bị “khai tử” nhiều nhất, chiếm đến hơn 38%, tiếp đến là các doanh nghiệp hoạt động trong ngành chế biến, chế tạo, xây dựng và kinh doanh bất động sản.
- Cập nhật tối 19/7: Trung Quốc cho nổ đập để xả lũ; Thủ phủ Tân Cương kích hoạt chế độ ‘thời chiến’
- Trung Quốc nổ đập xả lũ trong khi số người chết tăng
- Bắc Kinh nói Mỹ cấm vận đảng viên Trung Quốc là chống lại 1,4 tỷ người: Người Việt cũng bật cười!
Tin thế giới
(VnExpress) – Bộ Y tế Iran giải thích về con số 25 triệu ca nhiễm nCoV. Theo thông báo hôm qua 19/7 của Bộ Y tế Iran, con số 25 triệu ca nCoV mà Tổng thống Rouhani đưa ra dựa trên xét nghiệm huyết thanh và không thể dựa vào đó để phản ánh tình trạng Covid-19 thực tế ở nước này.
“Xét nghiệm huyết thanh chỉ cho thấy liệu ai đó từng tiếp xúc với virus trong quá khứ hay chưa”, Mostafa Qanei – người đứng đầu ủy ban khoa học thuộc nhóm chuyên trách chống Covid-19 của chính phủ Iran, cho hay. Theo ông, để chẩn đoán Covid-19 chính xác cần thực hiện xét nghiệm PCR mũi họng.
Trước đó vào hôm 18/7, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói rằng 25 triệu người dân nước này đã nhiễm nCoV, trong khi 35 triệu người khác cũng có nguy cơ nhiễm virus. Tuy nhiên, ông không cho biết con số được đưa ra dựa trên cơ sở nào.
(Soha) – Đấu với Trung Quốc, Ấn Độ đã sẵn sàng chơi ‘quân bài Tây Tạng’? Thời điểm 20 lính Ấn Độ bị giết trong cuộc đụng độ ở biên giới Trung-Ấn, sự tức giận của công chúng Ấn Độ đối với Trung Quốc ngày càng gia tăng. Ngày càng nhiều những lời kêu gọi phản ứng mạnh mẽ từ chính phủ Ấn Độ, bao gồm cả việc tăng cường quan hệ đối tác với Đài Loan. Cũng có những lời kêu gọi tăng cường hỗ trợ Tây Tạng và Đức Đạt Lai Lạt Ma, theo một bài báo trên The Diplomat.
Khoảng 10 ngày sau cuộc đụng độ ở Galwan, thủ hiến bang Arunachal Pradesh, đã gọi Đường kiểm soát thực tế (LAC) phân chia Ấn Độ và Trung Quốc là “biên giới Ấn Độ – Tây Tạng”.
Trong bối cảnh cuộc đụng độ Galwan, đây dường như là một nỗ lực nhằm nhen nhóm lại vấn đề Tây Tạng, điều mà Ấn Độ đã làm nhiều lần mỗi khi có xung đột với Trung Quốc.
Đối với các nhà hoạt động Tây Tạng – những người đã tìm kiếm sự hỗ trợ tích cực của Ấn Độ trong một thời gian dài thì đây thực sự là tin tốt.
(Lao Động) – Mỹ cáo buộc Trung Quốc dùng doanh nghiệp nhà nước làm công cụ thực thi yêu sách “đường 9 đoạn”. Phát biểu trong một cuộc hội thảo mới đây ở Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Stilwell cáo buộc Bắc Kinh sử dụng các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc làm công cụ cưỡng chế kinh tế và lạm dụng quốc tế.
Ông Stilwell chỉ rõ, một trong doanh nghiệp nhà nước về cơ sở hạ tầng hàng đầu của Trung Quốc hoạt động trên toàn thế giới – Tập đoàn Xây dựng và Truyền thông Trung Quốc – đi đầu trong việc nạo vét, bồi đắp các căn cứ quân sự của Bắc Kinh ở Biển Đông, gây tàn phá khủng khiếp đối với môi trường biển và sự ổn định khu vực.
“Các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã được sử dụng rầm rộ để thực thi yêu sách đường 9 đoạn phi pháp của Bắc Kinh. Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đã đưa giàn khoan HD-981 vào quần đảo Hoàng Sa năm 2014 để đe doạ Việt Nam”.
“Các đội tàu cá Trung Quốc ở Biển Đông thường hoạt động như lực lượng dân quân biển dưới sự chỉ đạo của quân đội Trung Quốc, quấy rối và đe dọa các tàu khác như một công cụ cưỡng chế bạo lực của nhà nước” – ông Stilwell nói.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ bày tỏ: “Các doanh nghiệp nhà nước này là những công cụ lạm dụng của Trung Quốc và chúng ta cần làm rõ hành vi không đúng đắn của họ. Chúng ta cũng nên đưa ra ánh sáng cách thức những công ty này hoạt động trên khắp thế giới, bao gồm cả ở Đông Nam Á và Mỹ”.
(Người Lao Động) – Mỹ và Trung gây gổ tới Myanmar. Reuters cho biết Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar hôm 19/7 cáo buộc Mỹ “bôi nhọ Trung Quốc”, đồng thời xen vào giữa các nước láng giềng Đông Nam Á của Bắc Kinh về một loạt vấn đề bao gồm biển Đông và Hồng Kông.
Động thái trên diễn ra sau một ngày, Đại sứ quán Mỹ tại Myanmar chỉ ra sự tương đồng giữa hành động của Trung Quốc ở biển Đông và Hồng Kông với những dự án đầu tư quy mô lớn của nước này vào Myanmar. Mỹ cảnh báo đây có thể trở thành bẫy nợ cùng với hoạt động buôn bán phụ nữ từ Myanmar sang Trung Quốc làm cô dâu và dòng chảy thuốc men từ Trung Quốc vào Myanmar.
Myanmar dần trở thành chiến trường gây ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc kể từ khi mối quan hệ giữa nước này và phương Tây trở nên căng thẳng vì vấn đề người thiểu số Rohingya.
(Tuổi Trẻ) – Ý đồ của Trung Quốc khi ‘để lộ’ 8 chiến đấu cơ ở Hoàng Sa của Việt Nam. Hình ảnh vệ tinh chụp ngày 17/7 cho thấy, Trung Quốc đã đưa đến 8 máy bay chiến đấu ra xếp hàng trên đường băng mà Trung Quốc xây trái phép ở đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Theo giới phân tích, đây là số lượng máy bay quân sự có thể quan sát được trên Phú Lâm nhiều nhất trong vài năm trở lại đây. Không loại trừ số máy bay đang đồn trú trái phép tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam còn nhiều hơn con số 8, với nhiều chiếc khác đang nằm trong nhà chứa máy bay và vệ tinh không thể chụp được ảnh.
Việc cho 8 chiến đấu cơ xếp hàng trên đường băng Phú Lâm dường như là một hành động cố tình phô trương sức mạnh để đe dọa các nước. Động thái diễn ra trong cùng thời điểm hai tàu sân bay Mỹ quay lại Biển Đông tập trận chỉ sau hai tuần.
Theo giới quan sát quân sự, Trung Quốc thường chỉ triển khai trái phép 4 chiến đấu cơ tới Phú Lâm. Việc có tới 8 chiến đấu cơ xuất hiện ở Hoàng Sa lần này có thể là chỉ dấu cho thấy sắp có hoạt động quân sự lớn của Trung Quốc trên Biển Đông.