Site icon Tin360

Cập nhật tối 30/3: Đề cử ông Vương Đình Huệ làm Chủ tịch Quốc hội; CSGT dẹp đường đưa bệnh nhân nguy kịch đi cấp cứu

Đề cử ông Vương Đình Huệ làm Chủ tịch Quốc hội; CSGT dẹp đường đưa bệnh nhân nguy kịch đi cấp cứu

Từ trái qua: Ông Vương Đình Huệ (ảnh: chinhphu.vn); CSGT dẹp đường đưa bệnh nhân nguy kịch đi cấp cứu (ảnh cắt từ clip).

Ông Vương Đình Huệ nhiều khả năng thành tân Chủ tịch Quốc hội, thêm hành động đẹp của CSGT, chủ tịch phường ở Đà Lạt nghiện thời gian dài… là những tin tức nổi bật của cập nhật tối 30/3.

Tin trong nước

Đề cử ông Vương Đình Huệ làm Chủ tịch Quốc hội

Chiều 30/3, Quốc hội đã miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia với bà Nguyễn Thị Kim Ngân. Đồng thời, Ủy ban thường vụ đề cử ông Vương Đình Huệ vào vị trí Chủ tịch Quốc hội.

Việc bỏ phiếu bầu ông Huệ sẽ diễn ra vào ngày mai 31/3.

Chủ tịch phường ở Đà Lạt nghiện thời gian dài

Sáng 30/3, TP Đà Lạt công khai thông tin có 2 chủ tịch phường bị bắt quả tang dùng ma túy từ ngày 24/3.

Hai người này là ông Nguyễn Đình Khoa (41 tuổi, Chủ tịch UBND phường 1) và ông Võ Thành Sơn (40 tuổi, Chủ tịch UBND phường 6).

Bản tin chiều nay trên báo Người Lao Động cho biết, ông Võ Thành Sơn đã nghiện ma túy trong thời gian dài trước khi bị bắt quả tang.

CSGT dẹp đường cho xe chở bệnh nhân nguy kịch

Đoạn video ghi lại cảnh một CSGT mở đường cho ôtô chở bệnh nhân nguy kịch đi cấp cứu đang được chia sẻ rộng trên MXH.

Theo báo Zing, khoảng 17h ngày 29/3, tài xế tên Luân nhận được cuộc gọi chở bệnh nhân đi Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu gấp.

Khi đó, bệnh nhân khó thở, yếu dần, khiến người thân và tài xế lo lắng.

Đến một ngã tư ở huyện Bình Chánh, anh Luân thấy CSGT đang trực chốt nên nhờ hỗ trợ.
Sau đó, CSGT này nhanh chóng lên môtô đặc chủng mở còi hú, dẹp xe phía trước rồi dẫn đường cho xe cứu thương đến bệnh viện kịp thời. Nhờ vậy, bệnh nhân qua cơn mê mệt.

Đại úy Sang chạy trước mở đường cho ôtô chở người bệnh nguy kịch đi cấp cứu. Ảnh cắt từ clip.

CSGT này là đại úy Trần Xuân Sang, thuộc Phòng CSGT TP.HCM.

Ngọc Trinh báo mất bộ sưu tập đồng hồ 13 tỷ

Ngày 30/3, Công an TP Thủ Đức đã nhận trình báo từ diễn viên Ngọc Trinh về vụ trộm. Người mẫu cho hay bị mất bộ sưu tập gồm nhiều đồng hồ hàng hiệu có giá trị 13 tỷ đồng tại biệt thự ở phường Phú Hữu, TP Thủ Đức.

Hiện kết quả khám nghiệm hiện trường và lời khai của Ngọc Trinh chưa được công bố.

Dịch nổi cục ở trâu bò lan rộng

Chỉ trong ngày 28/3, tại Thanh Hóa có thêm 336 con trâu, bò tại 7 huyện mắc bệnh viêm da nổi cục.

Đến nay, Thanh Hóa đã có 1.337 con trâu, bò mắc chứng bệnh này.

Dịch bệnh này đang hoành hành ở nhiều tỉnh ở miền Trung như Quảng Bình, Quảng Ngãi, Nghệ An… khiến nông dân điêu đứng.

Tại xã Quyết Thắng, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, bò có biểu hiện nổi các u cục dưới da tại nhiều vị trí (ảnh: sonnptnt.backan.gov.vn).

Dù giới y khoa khuyến cáo bệnh không lây sang người, nhưng nhiều người đã có tâm lý đề phòng khi ăn thịt trâu bò. Nhiều tiểu thương và chủ cửa hàng phở ở Nghệ An, Hà Tĩnh than ế khách.

Tin thế giới

Bắc Kinh lo sợ sau bão cát kinh hoàng

Bắc Kinh đã chứng kiến trận bão cát lớn nhất trong nhiều năm vào giữa tháng 3, tiếp theo là một trận bão khác đưa chỉ số chất lượng không khí (AQI) của nước này lên mức trần 500 vào cuối tuần qua, Reuters đưa tin.

Bão cát kinh hoàng đang khiến Bắc Kinh bối rối trong việc tìm cách đối phó. Tân Hoa xã cho biết, Bắc Kinh sẽ kiểm tra tất cả các công trường xây dựng đến hết tháng 4, mặc dù các cơn bão được cho là bắt nguồn từ Mông Cổ.

Bão cát ở Bắc Kinh vào giữa tháng 3/2021 (ảnh chụp màn hình báo Lao Động).

Hình thái thời tiết ở Bắc Kinh rất khó lường. Li Shuo – Giám đốc chính sách của Tổ chức Hòa bình Xanh nói với The New York Times ‘Bắc Kinh trông giống như một cuộc khủng hoảng sinh thái. Sau hai tuần sương mù và không khí tĩnh, gió mạnh mang theo một cơn bão cát đến, khiến AQI bị lệch khỏi biểu đồ’.

Ấn Độ đổi ý việc ‘từ chối lịch sự’ dân Myanmar chạy loạn

Theo báo Tuổi Trẻ, ngày 30/3, bang Manipur ở đông bắc Ấn Độ đã thu hồi chỉ thị yêu cầu ‘từ chối lịch sự’ những người chạy loạn từ Myanmar. Họ cho biết chỉ thị phát hành ngày 26/3 đã bị hiểu sai.

Theo BBC, có hàng ngàn người đã vượt sang biên giới Ấn Độ và Thái Lan nhưng đều bị lực lượng biên phòng hai nước láng giềng chặn lại.

Sau khi rút lại chỉ thị, cơ quan nội vụ của bang Manipur còn yêu cầu phải đối xử với người di cư từ Myanmar trên tinh thần “nhân đạo” và “tiếp tục cung cấp mọi hỗ trợ”, gồm cả việc chữa trị cho những người bị thương.

Theo thỏa thuận trước đây giữa chính quyền Myanmar và Ấn Độ, người dân hai nước có thể đi sang biên giới của nhau và ở lại tối đa 14 ngày. Tuy nhiên, do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, thỏa thuận này bị tạm ngừng.

Hơn 500 người chết từ khi đảo chính, Myanmar hứng “biểu tình rác”

Rác chất thành đống trên các con đường ở thành phố chính của Myanmar hôm 30/3 sau khi các nhà hoạt động tiến hành cuộc “biểu tình rác”.

Theo báo Người Lao Động, người biểu tình ở Myanmar đang sử dụng một chiến thuật mới, đó là yêu cầu dân chúng vứt rác tràn ngập các ngã tư đường chính.

“Cuộc biểu tình rác này nhằm phản đối chính quyền quân sự. Mọi người đều có thể tham gia” – lời kêu gọi trên mạng xã hội viết.

Hiệp hội Hỗ trợ tù nhân chính trị (AAPP, trụ sở tại Myanmar) thống kê số người biểu tình ủng hộ dân chủ bị lực lượng an ninh giết chết đã tăng lên hơn 500 người.