Mục điểm tin cập nhật trên các trang báo tối 6/8 xin gửi đến quý vị những nội dung chính sau
Tin trong nước:
- Cả gia đình 4 người đi du lịch Đà Nẵng bị mắc Covid-19
- Ca bệnh Covid-19 thứ 10 tử vong là bệnh nhân 718
- Viện Pasteur Nha Trang ngưng nhận mẫu xét nghiệm Covid-19
- Sầm Sơn phong tỏa một khu phố có bệnh nhân nghi mắc Covid-19
- Thanh Hóa: Đình chỉ Phó Chủ tịch xã ngại đi chống dịch COVID-19 vì trời mưa
- 25 y bác sĩ Bình Định lên đường ra Đà Nẵng chống dịch
- Giá vàng nhảy múa, vượt xa 61 triệu đồng/lượng: Kẻ khóc, người cười
Tin thế giới:
- Tàu đổ bộ chở trực thăng đầu tiên của Trung Quốc bắt đầu ra biển?
- Úc cấp tập đối phó Trung Quốc
- Ông Vương Nghị muốn đối thoại với Mỹ để giải tỏa ‘căng thẳng, định kiến’
- Việt Nam bác bỏ Trung Quốc sửa quy tắc hàng hải ở Hoàng Sa
Sau đây là những nội dung chi tiết
Tin trong nước
(NLĐO) – Cả gia đình 4 người đi du lịch Đà Nẵng bị mắc Covid-19. Chiều 5/8, Lạng Sơn đã có 4 trường hợp đầu tiên mắc Covid-19 là bệnh nhân 675 đến 678. Đây là 4 thành viên trong một gia đình ở khu 7, thị trấn Đình Lập, huyện Đình Lập (tỉnh Lạng Sơn).
Được biết 4 người này tham gia chuyến đi Đà Nẵng vào các ngày 21 đến 24/7 với một đoàn 15 người ở Bắc Giang (2 người trong đoàn này vừa được xác định mắc Covid-19).
(Thanh Niên) – Ca bệnh Covid-19 thứ 10 tử vong, là bệnh nhân 718 chưa công bố. Đầu giờ chiều 6/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại TP. Đà Nẵng thông tin về trường hợp bệnh nhân Covid-19 thứ 10 tử vong.
Theo đó, bệnh nhân vừa tử vong là ca nhiễm thứ 718 – là nữ, 67 tuổi, quê quán Cẩm Lệ, Đà Nẵng, nguyên nhân tử vong của bệnh nhân là đa u tủy tương bào ác tính, đái tháo đường type 2, nhiễm trùng huyết và Covid-19. Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, ca bệnh 718 sẽ được công bố trong bản tin của Ban chỉ đạo lúc 18h chiều nay, 6/8.
Như vậy, tới thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ghi nhận 10 bệnh nhân Covid-19 tử vong ((428, 437, 499, 475, 524, 429, 426, 469, 651, 718). Theo Bộ Y tế, hiện trong số các bệnh nhân Covid-19 nặng, có 4 bệnh nhân đang chạy ECMO. Ngoài ra, một số bệnh nhân rất nguy kịch, tiên lượng tử vong bất cứ lúc nào.
(Zing News) – Viện Pasteur Nha Trang hết sinh phẩm xét nghiệm Covid-19. Sáng 6/8, lãnh đạo Viện Pasteur Nha Trang cho biết đơn vị này vừa có văn bản gửi 11 tỉnh, thành miền Trung về việc tạm hoãn tiếp nhận mẫu xét nghiệm Covid-19.
“Hiện nay viện đã hết nguồn sinh phẩm, hóa chất, vật tư tiêu hao nên sẽ không nhận mẫu từ các đơn vị và đề nghị trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh chủ động triển khai xét nghiệm”, lãnh đạo Viện Pasteur Nha Trang nói.
Tuy nhiên, lãnh đạo Viện Pasteur Nha Trang cho biết trong trường hợp tỉnh, thành nào bị quá tải và có nhu cầu xét nghiệm mẫu thì đơn vị vẫn sẽ tiếp nhận với điều kiện phải gửi kèm sinh phẩm, vật tư tiêu hao… tương đương với số lượng mẫu.
(Dân Trí) – Sầm Sơn phong tỏa một khu phố có bệnh nhân nghi mắc Covid-19. Từ tối ngày 5/8, chính quyền thành phố Sầm Sơn đã phong tỏa cụm dân cư nơi có bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19. Đến sáng ngày 6/8 toàn bộ khu phố Nam Bắc đã được phong tỏa, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Cụm dân cư nơi bệnh nhân sinh sống có hơn 170 hộ dân, còn toàn bộ khu phố Nam Bắc là 309 hộ dân. Riêng gia đình bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19 có 4 người, đã được cách ly, giám sát.
(Lao Động) – Thanh Hóa: Đình chỉ Phó Chủ tịch xã ngại đi chống dịch COVID-19 vì trời mưa. Ngày 6/8, TP. Sầm Sơn (Thanh Hóa) cho biết, đơn vị vừa ra quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Viên Đình Nam – Phó Chủ tịch xã Quảng Hùng, TP. Sầm Sơn, lý do là vì lơ là trong công tác phòng chống dịch COVID-19.
Đêm 5/8, ghi nhận bệnh nhân Đ.T.H. (54 tuổi), ở khu phố Nam Bắc, phường Quảng Vinh, thành phố Sầm Sơn. trong khi các công tác phòng dịch đang được triển khai, thì điện cho Phó Chủ tịch xã Quảng Hùng là ông Viên Đình Nam, ông này nêu lý do trời mưa nên không cùng đoàn tới gia đình có người tiếp xúc gần với trường hợp nghi nghiễm này.
Trước tình hình trên, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Sầm Sơn đã báo cáo Chủ tịch TP. Sầm Sơn. Đến sáng ngày 6/8, ông Viên Đình Nam bị tạm đình chỉ công tác 15 ngày.
(Tuổi Trẻ) – 25 y bác sĩ Bình Định lên đường chi viện cho Đà Nẵng. Sáng 6/8, Sở Y tế tỉnh Bình Định tổ chức buổi lễ tiễn 25 y bác sĩ lên đường chi viện cho Đà Nẵng.
Buổi lễ đã diễn ra ngắn gọn nhưng chan chứa cảm xúc. Ông Lê Quang Hùng, giám đốc Sở Y tế Bình Định, nói: “Hôm nay là một ngày đầy kỷ niệm của ngành y tế tỉnh Bình Định. Những người có mặt ở đây để chi viện cho Đà Nẵng là những tấm gương ưu tú đại diện cho tỉnh nhà.
Với 25 con người bao gồm đầy đủ lực lượng y bác sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên dày dạn kinh nghiệm, tôi rất hy vọng các bạn sẽ yêu thương, chăm sóc cho nhau và cùng kề vai sát cánh với đồng nghiệp, người dân Đà Nẵng mến yêu vượt qua khó khăn, thử thách”.
(VTC News) – Giá vàng nhảy múa, vượt xa 61 triệu đồng/lượng: Kẻ khóc, người cười. Trong khi người mua vàng tích trữ vui mừng vì giá cao, chốt lời lãi đậm thì người vay vàng để mua nhà đất, kinh doanh lại méo mặt vì khoản nợ tăng vọt mỗi ngày.
Chị Trâm Anh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) rầu rĩ kể, cách đây tầm hơn 1 năm, do cần tiền mua nhà, chị vay người quen 10 cây, khi đấy giá vàng chỉ tầm 36 triệu đồng/lượng. Sau 1 năm, giá vàng lên tới hơn 60 triệu đồng/lượng, ngoài số tiền lãi phải trả hàng tháng tăng lên, khoản tiền gốc cũng bỗng dưng phình ra gần gấp đôi.
Cũng như chị Trâm Anh, anh Tuấn Kiệt (Hoàng Mai, Hà Nội) vay 30 cây vàng từ năm 2018 với mức giá chỉ 34 – 35 triệu đồng/lượng để mở cửa hàng thời trang. Đến nay cũng sắp đến hạn phải trả, nhưng giá vàng tăng cao khiến anh Tuấn Kiệt méo mặt.
Trong khi nhiều khách hàng khốn khổ vì giá vàng tăng cao và nhanh không ngờ, thì lại có không ít người mua vàng trước đó lại hớn hở.
Dù giá vàng đang tăng cao, nhưng các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, nhà đầu tư nên nhớ bài học gần đây nhất là vào phiên giao dịch sáng 28/7. Giá vàng trong nước đã vượt mốc 58 triệu đồng/lượng vào đầu giờ sáng nhưng đã nhanh chóng mất giá tới một triệu đồng/lượng, nếu ai mua vàng vào đầu giờ sáng ở mức giá 58 triệu đồng/lượng thì cuối giờ sáng đã chịu lỗ hơn 2 triệu đồng/lượng.
Tin thế giới
(Thanh Niên) – Tàu đổ bộ chở trực thăng đầu tiên của Trung Quốc bắt đầu ra biển? Chiếc tàu đổ bộ tấn công Type 075 nội địa đầu tiên của Trung Quốc được phát hiện rời khỏi xưởng tàu Hỗ Đông – Trung Hoa dọc sông Hoàng Phố ở Thượng Hải hôm 5/8, theo một số đoạn video và hình ảnh được đưa lên mạng xã hội cùng ngày.
Ngoài ra, thông báo ngày 4/8 của Cục Hải sự Trung Quốc cũng ủng hộ giả định chiếc tàu đổ bộ tấn công Type 075 đang chạy thử trên biển. Theo thông báo, một tàu sẽ rời khỏi xưởng tàu Hỗ Đông – Trung Hoa vào chiều 5/8 để chạy thử trên biển và việc kiểm soát lưu thông sẽ được thực thi ở vùng biển liên quan và những tàu khác nên chú ý.
Giới phân tích quân sự cho rằng thông thường sau đợt chạy thử triển đầu tiên, một tàu chiến mới sẽ mất 1-2 năm mới có thể được đưa vào hoạt động. Điều này có nghĩa chiếc Type 075 đầu tiên có thể được đưa vào biên chế cho hải quân Trung Quốc vào năm 2021 hoặc 2022.
(Thanh Niên) – Úc cấp tập đối phó Trung Quốc. Hôm qua 5/8, Reuters dẫn lời Thủ tướng Morrison khẳng định việc xây dựng liên minh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific) là ưu tiên quan trọng của chính phủ Úc. Kèm theo đó là lời cảnh báo tốc độ quân sự hóa ở khu vực đang diễn ra ở mức độ chưa từng có.
Ông Morrison đưa ra phát biểu trên tại Diễn đàn An ninh Aspen được tổ chức trực tuyến từ ngày 3 – 6/8 bởi Viện Aspen (có trụ sở ở Washington D.C, Mỹ). Mặc dù ông vẫn cho rằng Trung Quốc là một đối tác kinh tế quan trọng mà Úc không muốn làm tổn thương quan hệ, nhưng cũng nhắc nhở rằng Bắc Kinh phải gia tăng trách nhiệm. Thực tế, Úc cùng Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ đóng vai trò “bộ tứ an ninh” trong chiến lược Indo-Pacific đang tăng cường hợp tác để ứng phó Trung Quốc.
“Dù đã tránh không “chọn phe” Washington hay Bắc Kinh, nhưng thực tế khiến Canberra nhận thấy Trung Quốc là mối đe dọa chiến lược” – GS Nick Bisley.
(Tuổi Trẻ) – Ông Vương Nghị muốn đối thoại với Mỹ để giải tỏa ‘căng thẳng, định kiến’. Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với Tân Hoa xã ngày 5/8, ông Vương Nghị đã đề cập tới một loạt điểm nóng hiện nay trong quan hệ Mỹ – Trung, từ vấn đề Biển Đông đến Hong Kong, nhân quyền.
Nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc thừa nhận quan hệ Mỹ – Trung đang ở giai đoạn “nguy hiểm” nhất kể từ khi thiết lập quan hệ, chứng kiến một loạt trao đổi và hợp tác song phương đã bị phá vỡ.
Tuy nhiên, ông Vương Nghị nhấn mạnh cho dù hai bên vẫn còn nhiều sự khác biệt, “không nhất thiết phải tìm cách thay đổi lẫn nhau”. Ngoại trưởng Trung Quốc khẳng định ông không muốn thấy một cuộc Chiến tranh lạnh mới với Mỹ, bởi điều đó chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực cho thế giới.
Ngoại trưởng Trung Quốc cũng bắn đi tín hiệu hòa giải với Mỹ trong cuộc phỏng vấn, khẳng định Bắc Kinh sẵn sàng giao tiếp thẳng thắn, cởi mở và xây dựng với Washington. Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, ông Thôi Thiên Khải, trước đó cũng đã truyền đi một thông điệp tương tự ngày 4/8.
(VnExpress) – Việt Nam bác bỏ Trung Quốc sửa quy tắc hàng hải ở Hoàng Sa. Bộ Ngoại giao khẳng định việc Trung Quốc thay thuật ngữ hàng hải liên quan đến Hoàng Sa là vi phạm chủ quyền của Việt Nam và “vô giá trị”.
“Chúng tôi cho rằng Trung Quốc đưa khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào trong quy tắc kiểm tra kỹ thuật tàu biển nội địa theo luật định 2020 đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa, không có lợi cho việc duy trì môi trường hoà bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông”, bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trong họp báo thường kỳ chiều nay.
Theo South China Morning Post, trong văn bản mới này, Trung Quốc thành lập cái gọi là “Vùng hàng hải Hải Nam – Tây Sa”. Tây Sa là tên gọi trái phép Trung Quốc dùng cho quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Vùng hàng hải này được quy định là khu vực nằm giữa hai điểm trên đảo Hải Nam và ba điểm trên quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc còn thay đổi thuật ngữ, gọi khu vực này là “vùng ven biển”, thay cho cụm từ “vùng biển ngoài khơi” trước đây. Trung Quốc tuyên bố bản quy tắc có hiệu lực từ ngày 1/8.