Đề xuất bỏ hình phạt tử hình với các tội nghiêm trọng như tham nhũng, hối lộ, vận chuyển ma túy đang gây tranh cãi tại Quốc hội; đặc biệt khi chưa có ai bị tử hình vì tội tham nhũng từ trước đến nay.
- Ý kiến – Bỏ án tử hình với 4 tội danh: “Nhân văn với tội phạm là độc ác với đồng bào”
- Bỏ án tử hình với 8 tội danh là bước đi phù hợp tiến trình hội nhập quốc tế
- Thuốc giả, thực phẩm giả – Tội ác cần xử nghiêm như giết người hàng loạt
Tranh cãi gay gắt về việc bỏ án tử hình trong Bộ luật Hình sự sửa đổi
Tại phiên thảo luận sáng 27/5 về dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi); nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ quan điểm trái chiều xung quanh đề xuất bỏ án phạt tử hình đối với 8 trong số 18 tội danh hiện hành có khung hình phạt cao nhất. Trong đó, đáng chú ý là các tội danh như tham ô tài sản; nhận hối lộ, vận chuyển trái phép chất ma túy, sản xuất và kinh doanh thuốc giả.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) đặt câu hỏi gay gắt: “Nếu chúng ta nhân văn với tội phạm thì thân nhân của các nạn nhân, những người đã chết vì tội lỗi này sẽ cảm thấy như thế nào?”. Bà khẳng định các đối tượng phạm những tội danh này đều biết rõ hậu quả; nhưng vì lợi ích cá nhân mà bất chấp tất cả.
Nữ đại biểu đề nghị giữ lại án tử hình như “một chốt chặn cuối cùng, cao nhất”, đặc biệt với tội sản xuất và kinh doanh thực phẩm; thuốc giả, bởi hành vi này trực tiếp đe dọa sức khỏe cộng đồng, nhất là những người yếu thế.
Chưa từng có án tử hình nào vì tội tham nhũng
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu thực tế rằng “từ trước đến giờ chưa có ai bị tử hình vì tội tham nhũng, tham ô”; dù đây là các tội danh đặc biệt nghiêm trọng, gây thất thoát ngân sách và làm suy yếu bộ máy nhà nước. Vì vậy, ông đề nghị giữ nguyên mức án tử hình cho tội tham nhũng và vận chuyển trái phép chất ma túy.
“Vận chuyển và sản xuất ma túy là anh em song sinh. Nếu không có vận chuyển thì không thể có người sử dụng”.
Ông Hòa nhấn mạnh
Ý kiến ủng hộ hình phạt tù chung thân không xét giảm án
Ngược lại, một số đại biểu như bà Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) và ông Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu) lại đồng tình với đề xuất bỏ án tử và thay bằng hình phạt tù chung thân không giảm án.
Theo bà Nga, hình phạt này vẫn đủ nghiêm khắc, răn đe nhưng mang tính nhân đạo; phù hợp xu hướng quốc tế và tạo điều kiện cho cải tạo lâu dài. Đặc biệt với tội danh vận chuyển trái phép chất ma túy; bà cho rằng nhiều trường hợp là người nghèo, thiếu hiểu biết, bị lừa dối hoặc ép buộc tham gia.
Đại biểu Hoàng Quốc Khánh dẫn chứng thực tế tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nhiều vụ án ma túy chỉ bắt được người vận chuyển chứ không truy ra được người sản xuất hoặc buôn bán. Vì vậy, ông đánh giá hình phạt tù chung thân không giảm án là phù hợp và nhân văn hơn trong các trường hợp bị lợi dụng.
Bộ Công an lý giải vì sao nên thu hẹp hình phạt tử hình
Theo báo cáo của Bộ Công an gửi Quốc hội, có nhiều lý do nên xem xét bỏ án tử hình đối với một số tội danh. Với tội tham ô, nhận hối lộ; hiện nhiều nước trên thế giới không áp dụng án tử hình hoặc yêu cầu Việt Nam không thực hiện án này khi xử lý các vụ án có yếu tố chức vụ, tham nhũng. Hơn nữa, các tội danh này không trực tiếp xâm hại đến tính mạng con người hay an ninh quốc gia.
Tương tự, với tội sản xuất thuốc giả, Bộ Công an cho biết thực tế xét xử cho thấy chủ yếu là làm giả nhãn mác, thuốc kém chất lượng chứ không xác định rõ hậu quả gây chết người để áp dụng tử hình. Trên thực tế, chưa có ai bị tuyên án tử hình vì tội này.
Con số đáng chú ý về án tử hình tại Việt Nam
Tại phiên thảo luận tổ trước đó, đại biểu Sùng A Lềnh (Lào Cai) cho biết, cả nước hiện có hơn 2.300 đối tượng bị tuyên án tử hình; trong đó có đến 83% là án liên quan đến ma túy. Riêng tại Lào Cai, có đến 97% án tử hình thuộc nhóm tội này; trong đó 91% là người dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, việc thi hành án diễn ra rất chậm, mỗi năm chỉ thực hiện chưa đến 1%.
Ông cho rằng đây là bằng chứng rõ ràng cho thấy việc duy trì án tử không hiệu quả; và đề xuất cần chuyển đổi sang hình phạt tù chung thân không xét giảm án để vừa đảm bảo răn đe, vừa mở ra hướng cải cách hình sự.
Đề xuất bỏ hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự sửa đổi đang tạo ra làn sóng tranh luận sâu rộng tại Quốc hội. Một bên lo ngại về sự nhân nhượng với những tội danh đặc biệt nghiêm trọng; trong khi bên còn lại kêu gọi sự nhân đạo, cải cách và cá thể hóa hình phạt. Tuy nhiên, thực tế rằng chưa có ai bị tử hình vì tội tham nhũng đang làm dấy lên nhiều câu hỏi về hiệu quả thực tiễn và tính răn đe của án tử trong bối cảnh hiện nay.
Theo: Vietnamnet