Năm 2022, Việt Nam xảy ra 144 cuộc ngừng việc tập thể, tăng 53 cuộc so với cùng kỳ năm 2021, với trên 98.000 lao động tham gia.
600 nghìn lao động mất việc, giảm giờ làm
Số liệu từ Tổng Liên đoàn Lao động công bố sáng 16/12, năm 2022, có 122.100 doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động.
Kinh tế khó khăn, đặc biệt vào những tháng cuối năm khiến 624.800 lao động tại 25 tỉnh, thành phố, bị ảnh hưởng. Trong đó, 562.400 người bị giảm giờ làm, trên 31.300 người bị chấm dứt hợp đồng và khoảng 31.000 người nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng, nghỉ hưởng lương ngừng việc.
Các vụ ‘ngừng việc tập thể’ (đình công) cũng tăng. Thống kê chỉ ra năm 2022, Việt Nam có 144 cuộc ngừng việc tập thể, tăng 53 cuộc so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, trên 98.000 lao động tham gia; chủ yếu ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế.
Việt Nam hụt du khách vì visa không thuận tiện
Hãng tin Central News Agency (Đài Loan) ngày 15/12 nêu vấn đề với người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam rằng, từ đầu năm đến nay, Việt Nam mới chỉ thu hút được 3 triệu lượt khách du lịch quốc tế, trong khi mục tiêu đặt ra là 5 triệu. Nguyên nhân do các du khách nước ngoài cảm thấy việc xin visa không thuận tiện. Lượng khách Đài Loan vào Việt Nam hiện giảm so với thời điểm trước dịch.
Phía Bộ Ngoại giao nói “sẽ kiểm tra” thông tin này. Người phát ngôn thừa nhận “về một số vướng mắc, khó khăn của người nước ngoài trong thủ tục xin thị thực nhập cảnh Việt Nam”.
Mỹ đưa Việt Nam vào “Danh sách Theo dõi Đặc biệt” về tự do tôn giáo
Đầu tháng 12/2022, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken công bố quyết định đưa Việt Nam vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt (Special Watch List hay SWL) vì có những vi phạm nghiêm trọng về quyền tự do tôn giáo. Điều này khiến Việt Nam bị Hoa Kỳ theo dõi sát sao và các quan chức vi phạm có nguy cơ phải đối mặt với các biện pháp chế tài.
Theo thông cáo từ Bộ Ngoại giao Mỹ, Việt Nam bị đưa vào “Danh sách Theo dõi Đặc biệt” vì nước này “thực hiện hoặc dung túng cho những vi phạm nghiêm trọng về quyền tự do tôn giáo”.
Trong ngày 15/12, từ Hà Nội, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng, việc làm trên của Mỹ “là dựa trên những đánh giá thiếu khách quan cũng như thông tin không chính xác về tình hình tự do tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam”.
Bộ Công an điều cảnh sát cơ động vào TP. HCM
Tiền Phong đưa tin, từ đêm 15/12/2022 đến hết ngày 5/2/2023, Trung đoàn Cảnh sát cơ động Đông Nam TP. HCM – E29 (Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động) sẽ vào hỗ trợ Công an TP. HCM tuần tra, kiểm soát an ninh dịp Tết.
Việc điều động bắt nguồn từ đề xuất của công an TP. HCM gửi tới Bộ Công an.
Phía Công an TP cho rằng, thời gian qua ở TP. HCM những vấn đề an ninh trật tự, phạm pháp hình sự c diễn biến phức tạp, như giết người, cướp của, tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, các nhóm thanh thiếu niên hư hỏng tụ tập gây rối trật tự công cộng, sử dụng hung khí, thanh toán lẫn nhau để giải quyết mâu thuẫn, tội phạm kinh tế, buôn lậu, ma túy gia tăng…
Có thể cấm học sinh dùng thuốc lá điện tử
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói tại Quốc hội ngày 15/12 rằng, tình trạng chất ma túy tràn vào học đường qua thuốc lá điện tử, bánh kẹo và nước giải khát xảy ra trong thời gian qua là vấn đề nghiêm trọng.
“Nếu chỉ dừng ở việc phối hợp giữa Bộ Công an với Bộ Giáo dục và Đào tạo là chưa đủ, cần giải pháp quyết liệt hơn nữa. Trong đó, có thể cấm học sinh hút thuốc lá điện tử”, Zing dẫn quan điểm của bà Nga.