Chỉ với một cú chuyển khoản 16.000 đồng phí giao hàng, người phụ nữ ở Hà Tĩnh không ngờ bị cuốn vào “ma trận” lừa đảo tinh vi, mất hơn 400 triệu đồng.
- Cháy nhà trong ngõ nhỏ ở Hà Nội, ba người thương vong
- Trump bày tỏ bất bình với Putin sau vụ không kích gây thương vong lớn tại Kyiv
- Trump và Zelenskyy gặp riêng tại Rome trước tang lễ Giáo Hoàng Francis
Chuyển khoản 16.000 đồng – Khởi đầu cho bi kịch
Giữa tháng 4, Công an tỉnh Hà Tĩnh tiếp nhận đơn trình báo từ một phụ nữ trú tại huyện Thạch Hà, phản ánh bị lừa đảo chiếm đoạt số tiền lớn. Theo lời kể, chị nhận cuộc gọi từ số điện thoại lạ, người gọi tự xưng là shipper, yêu cầu thanh toán 16.000 đồng cho một đơn hàng chưa xác định.
Dù băn khoăn vì không nhớ đã đặt hàng, nhưng do thói quen mua sắm online thường xuyên và nghĩ số tiền nhỏ, chị nhanh chóng chuyển khoản theo hướng dẫn. “Công việc bận rộn nên tôi muốn xử lý nhanh để tập trung làm việc khác”, nạn nhân chia sẻ.
Bị dẫn dụ vào “bẫy” nhóm lừa đảo
Khoảng 30 phút sau, đối tượng tiếp tục gọi lại, thông báo rằng chị đã chuyển nhầm tiền vào tài khoản thành viên nội bộ và sẽ bị trừ tự động 4,5 triệu đồng mỗi tháng. Để hủy đăng ký, “shipper” hướng dẫn chị kết bạn Facebook với một tài khoản tự xưng là “nhân viên hỗ trợ”.
Người này gửi cho chị một đường link giả mạo giao diện website giao hàng uy tín, yêu cầu cung cấp thông tin ngân hàng, mật khẩu và mã OTP. Ngay sau khi làm theo, chị phát hiện tài khoản ngân hàng bị trừ 49 triệu đồng.
Hoảng loạn, chị tham gia vào một nhóm chat có tên “thu hồi tiền giao hàng tiết kiệm”, nơi nhiều thành viên liên tục chia sẻ kinh nghiệm “lấy lại tiền thành công”. Tin tưởng, chị tiếp tục chuyển khoản từ 4 đến 20 triệu đồng trong nhiều đợt để nộp các loại “phí xác minh“, tổng cộng hơn 200 triệu đồng.
“Công an giả” tiếp tục lừa đảo
Khi nhận thấy tiền không được hoàn trả, chị càng lo lắng thì lại nhận được cuộc gọi video từ một tài khoản tự xưng là cán bộ Cục Cảnh sát hình sự. Người này yêu cầu chị giữ bí mật để hỗ trợ điều tra, đồng thời đề nghị cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, sao kê và mã OTP xác thực.
Với niềm tin mình đang phối hợp với cơ quan chức năng, chị tiếp tục cung cấp toàn bộ thông tin. Chỉ trong vài phút, hơn 200 triệu đồng còn lại trong tài khoản cũng “không cánh mà bay“. Tổng thiệt hại sau chuỗi sự việc lên tới hơn 400 triệu đồng — toàn bộ số tiền tích cóp của gia đình trong nhiều năm.
Cảnh báo từ cơ quan công an
Theo Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh, đây là hình thức lừa đảo mới, nhắm vào tâm lý chủ quan của những người thường xuyên mua hàng online. “Ban đầu chỉ là số tiền nhỏ để mất cảnh giác, sau đó từng bước đưa nạn nhân vào cạm bẫy lừa đảo chuyên nghiệp”, đại diện đơn vị cho biết.
Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, mật khẩu, mã OTP qua điện thoại hoặc mạng xã hội. Khi nhận các cuộc gọi xưng danh nhân viên giao hàng, ngân hàng, cảnh sát…, cần xác minh qua tổng đài chính thức hoặc đến trực tiếp cơ quan chức năng để được hỗ trợ.
Theo: Vnexpress