Hơn 350 bác sĩ Indonesia mắc COVID-19 dù đã được tiêm vắc xin Sinovac của Trung Quốc, và hàng chục bác sĩ phải nhập viện do chuyển biến xấu.
- Sau nấm đen, trắng và vàng, bệnh nhân COVID-19 mắc căn bệnh mới nguy hiểm
- Nghị sĩ Mỹ: Trung Quốc có thể ‘trộm’ ADN vận động viên tham dự Olympic
- 28 máy bay Trung Quốc ồ ạt áp sát, Đài Loan báo động
- Hiến đất cho Trung Quốc: Chuyện lạ ở Hungary trở thành sự thật
Theo Reuters, tiến sĩ Badai Ismoyo, trưởng văn phòng y tế huyện Kudus ở tỉnh Trung Java, cho biết hầu hết các bác sĩ trên không có triệu chứng và đang tự cách ly ở nhà. Tuy nhiên, có hàng chục người phải nhập viện trong tình trạng sốt cao và độ bão hòa oxy trong máu giảm.
Huyện Kudus đang đối phó với đợt bùng phát dịch được cho là do biến thể Delta (phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ) dễ lây lan hơn. Đợt dịch này đã đẩy tỉ lệ sử dụng giường bệnh lên hơn 90% tại huyện Kudus.
Được xác định là nhóm ưu tiên, các nhân viên y tế Indonesia nằm trong số những người đầu tiên được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 khi chương trình tiêm chủng bắt đầu hồi tháng 1 năm nay.
Gần như tất cả nhân viên y tế này đã được tiêm vắc xin COVID-19 do công ty dược phẩm sinh học Trung Quốc Sinovac phát triển, theo Hiệp hội Y khoa Indonesia (IDI).
Số nhân viên y tế Indonesia tử vong vì COVID-19 đã giảm đáng kể, từ 158 ca tử vong hồi tháng 1 xuống còn 13 ca tử vong hồi tháng 5. Tuy nhiên, giới chuyên gia y tế đánh giá số ca nhập viện trên đảo Java hiện nay là rất đáng lo ngại.
Ông Dicky Budiman, chuyên gia dịch tễ học tại Đại học Griffith của Úc, cho biết các nhân viên y tế ở huyện Kudus đã nhiễm biến thể Delta.
“Phần lớn nhân viên y tế ở Indonesia tiêm vắc xin Sinovac và chúng ta vẫn chưa biết được vắc xin này hiệu quả thế nào trong việc đối phó biến thể Delta”, ông nói.
Indonesia đối mặt với một trong những đợt bùng phát tồi tệ nhất ở châu Á, với hơn 1,9 triệu ca bệnh và 53.000 ca tử vong, trong đó, có 946 ca tử vong là các bác sĩ và y tá.