Trong tuần qua, các đập thủy điện Trung Quốc xả hàng tỉ mét khối nước khiến mực nước sông Mekong trong mùa khô cao bất thường, vượt kỷ lục và vẫn còn tiếp tục tăng.
Giới chuyên gia nhận định sự bất thường này của dòng sông gây nguy cơ gia tăng sạt lở, hệ sinh thái tự nhiên bị hủy diệt, kéo theo kinh tế và sinh kế người dân bị ảnh hưởng lâu dài, tờ Thanh niên đưa tin.
Trung Quốc xả đập khiến mực nước cao kỷ lục
Báo cáo mới đây của Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) cho thấy các trạm đo ở Thái Lan, Lào và Campuchia ghi nhận mực nước sông Mekong liên tục tăng trong những tuần qua. Cụ thể, từ ngày 8 – 14/3, tại trạm Chiang Khan (Thái Lan) và Vientiane (Lào), mực nước lần lượt tăng đáng kể trong khoảng từ 0,7 – 1,13 m. Mực nước hiện tại ở hai trạm này đang cao hơn khoảng 2,37m so với mức trung bình nhiều năm, đây được coi là bất thường.
Những thông tin trên giống với dữ liệu hàng tuần của dự án Theo dõi đập Mê Kông (MDM) thuộc Trung tâm Stimson và Dự án Eyes on Earth (Mỹ).
Theo MDM, từ ngày 1/3, việc xả nước ở Trung Quốc đã làm tăng mực nước sông ở Thái Lan hơn 1,5 m. Tuần từ 7 – 13/3, riêng đập Nọa Trác Độ và Tiểu Loan (Trung Quốc) đã xả tổng cộng 2 tỉ m3 nước, trong khi các tuần trước đó chưa vượt quá 1 tỉ m3.
“Từ nay đến hết tháng 6, các con đập trên thượng nguồn sông Mê Kông có thể sẽ xả lượng nước bằng tuần vừa rồi, thậm chí có thể lớn hơn. Điều này sẽ làm tăng mực nước sông ở hạ lưu một cách bất thường”, MDM dự báo.
Đối với hai trạm đo ở Việt Nam là Tân Châu và Châu Đốc, mực nước vẫn dao động giữa mức tối đa và mức tối thiểu do ảnh hưởng của thủy triều hằng ngày.
Sinh kế 20 triệu người sống ở ĐBSCL bị ảnh hưởng
Theo các nhà môi trường, mực nước thay đổi bất thường theo mùa làm nhịp tự nhiên của dòng sông bị rối loạn. Các hệ động thực vật tự nhiên của dòng sông bị mất tín hiệu quen thuộc vốn có làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình tồn tại của chúng. Việc tích xả của các đập gây hiệu ứng giảm dòng chảy mùa lũ tăng dòng chảy mùa khô làm cho dòng chảy mùa lũ không đủ mạnh để tải phù sa, bùn cát về hạ lưu dẫn đến gia tăng sạt lở, đất đai bạc màu.
Tuy nhiên, điều đáng lo nhất chính là các nước hạ nguồn như Việt Nam không có thông tin về hoạt động của các đập thủy điện Trung Quốc. Vì vậy sẽ rất khó để nói cần phải “đối mặt” với việc đó như thế nào. Dòng chảy tự nhiên bị biến đổi sẽ đe dọa sinh kế cho 20 triệu người dân sống ở ĐBSCL.
Theo các chuyên gia, khi các đập thủy điện tiếp tục xả nước với lưu lượng lớn như hiện tại thì ĐBSCL sẽ nhanh chóng chịu tác động và nó có thể lặp đi lặp lại trong nhiều năm, gây ra những hệ quả rất lớn.
Cơ quan chức năng cho hay mức độ mặn ở ĐBSCL sẽ tăng lên trong tháng 3. Học giả chính trị quốc tế Akshay Narang bình luận trên tờ TFI Global rằng sự xâm nhập của nước biển mặn vào vùng đồng bằng nước ngọt đe dọa đến nông nghiệp, công nghiệp hải sản và đa dạng sinh học biển của địa phương.