Site icon Tin360

Tin 18/3: Biden lên tiếng về lệnh bắt Putin; EAD: Chính trường Ukraine căng thẳng leo thang

Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) hôm thứ Sáu đã ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin (ảnh chụp màn hình hiển thị video hãng truyền thông Reuters).

Tình thế xoay chuyển, năm 2021, khi còn hữu hảo, ông Biden nhận món quà đắt nhất trị giá 12.000 USD từ ông Putin; 3 năm sau, Biden nói ICC phát lệnh bắt Putin là ‘chính đáng’.

Ông Biden nói gì về lệnh bắt ông Putin?

Ngay sau khi Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) phát lệnh bắt Tổng thống Nga Putin với cáo buộc “di chuyển bất hợp pháp” trẻ em Ukraine sang Nga, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bình luận hôm 17/3 rằng: “Tôi nghĩ đó là quyết định chính đáng. Vấn đề là cả Mỹ và Nga đều không công nhận Tòa Hình sự Quốc tế. Nhưng tôi nghĩ động thái đó đã đưa ra thông điệp rất mạnh mẽ”.

Về phía Nga, Người phát ngôn Điện Kremlin Peskov nói rằng, lệnh bắt ông Putin là “không thể chấp nhận được”.

“Bất kỳ quyết định nào thuộc loại này đều vô hiệu đối với Nga về mặt pháp luật”,người phát ngôn Điện Kremlin cho biết.

Ông Peskov cũng không bình luận về câu hỏi liệu quyết định của tòa án có ảnh hưởng đến chuyến thăm của Putin tới các quốc gia đã công nhận quyền tài phán của ICC hay không: Ông nói: “Tôi không có gì để bổ sung về chủ đề này.”

Tòa án Hình sự Quốc tế được thành lập theo Quy chế Rome năm 1998. Các nước không ký kết bao gồm Nga (đã ký nhưng chưa phê chuẩn), Hoa Kỳ (đã ký nhưng sau đó rút lại chữ ký) và Trung Quốc (không ký quy chế). Năm 2016, Putin đã ký một sắc lệnh tuyên bố rằng Nga sẽ không trở thành một bên của ICC. 

EAD: Chính trường Ukraine căng thẳng leo thang

Hãng thông tấn Eurasia Daily (EADaily) cho biết, các kênh điện tín Ukraine đưa tin Văn phòng Tổng thống Ukraine không hài lòng trước việc một số hãng truyền thông đi ngược lại ý kiến ​​của người đứng đầu Văn phòng Andriy Yermak là tước bỏ quyền tranh cử và tham gia của giới chính trị gia trong quân đội. Một số phương tiện truyền thông gọi đó là vi phạm các quyền và tự do của công dân, mâu thuẫn với các giá trị của nền dân chủ.

Valery Zaluzhny và Andrey Yermak (ảnh: President.gov.ua)

Có thông tin cho rằng giới truyền thông đang gọi đây là chiến lược nhằm loại bỏ cơ hội để Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine Valery Zaluzhny trở thành đối thủ chính trị của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Theo một số nguồn tin, Yermak trước đó đã hứa với Zelensky rằng ông sẽ nhanh chóng thông qua dự luật này mà không cần thảo luận rộng rãi trước công chúng. Để làm điều này, các nhà chức trách đã yêu cầu các nhà lãnh đạo truyền thông “không đụng đến chủ đề này.” Tuy nhiên, dự luật đang vượt khỏi tầm kiểm soát và sự bất mãn của các tình nguyện viên quân sự ngày càng tăng, theo các kênh điện tín Ukraine. Họ cho rằng điều này là do chính quyền cho rằng việc thông qua dự luật tước quyền tranh cử của quân đội là thuận tiện vào thời điểm mà ban lãnh đạo Lực lượng Vũ trang Ukraine đang tập trung vào tình hình khó khăn ở vùng Artemovsk.

Các nguồn tin cũng cho biết thêm rằng sau khi dự luật được thông qua, Bankova sẽ cách chức Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraine trong năm nay. Đồng thời, Zelensky tránh được tiếng là loại bỏ một đối thủ cạnh tranh chính trị, vì con đường đến đến với ghế tổng thống đã bị chặn lại với Zaluzhny.

“Tôi đã trở lại!”, ông Trump tuyên bố trên Facebook, YouTube

Sau hơn 2 năm bị khóa tài khoản, ông Trump đã trở lại trên các nền tảng xã hội Facebook, YouTube.

“Tôi đã trở lại!”, ông Trump đăng trên Facebook ngày 17/3, kèm video ông nói trước người ủng hộ vào năm 2016 rằng “xin lỗi vì để quý vị chờ lâu, có chút phức tạp”. Thông điệp này cũng được đăng trên kênh Youtube của ông Trump.

Bài đăng Facebook của ông Trump lập tức thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Nó nhanh chóng thu hút hơn 65.000 lượt tương tác, trên 17.000 bình luận và 14.000 lượt chia sẻ. Tài khoản Facebook của vị tổng thống 45 nước Mỹ hiện có 34 triệu người theo dõi.

Mỹ cáo buộc Trung Quốc cố gắng che giấu tội ác của Triều Tiên

Theo Reuters, Hoa Kỳ cáo buộc Trung Quốc hôm thứ Sáu 17/3 đã tìm cách che giấu sự tàn bạo của Bắc Triều Tiên với thế giới bằng cách chặn trang web phát sóng cuộc họp không chính thức của các thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về cáo buộc Bình Nhưỡng vi phạm nhân quyền.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Linda Thomas-Greenfield phát biểu tại cuộc họp, ám chỉ sự che giấu đến từ Trung Quốc và Nga: “Một số thành viên hội đồng sẵn sàng che chở chế độ khỏi trách nhiệm giải trình”.

Phía Trung Quốc và Nga cho rằng, Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên, chịu trách nhiệm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, không nên thảo luận về các vấn đề nhân quyền. Họ nói rằng các cuộc họp như vậy nên được giới hạn trong các cơ quan khác của Liên hợp quốc như Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc hoặc Đại hội đồng Liên hợp quốc.