Việc thu phí nghỉ trưa 15.000 đồng/buổi mỗi học sinh được hiệu trưởng trường Marie Curie xác nhận và nói rằng được phụ huynh đồng thuận.
“Phí 15.000 đồng/buổi/học sinh chính là phí quản lý và tiền điện máy lạnh”
Về thông tin trường trường THPT Marie Curie, quận 3, TP. HCM thu phí nghỉ trưa, ông Nguyễn Đăng Khoa, hiệu trưởng Trường xác nhận. Tuổi Trẻ dẫn lời ông Khoa nói: “Trường chúng tôi là trường học 2 buổi/ngày. Vì vậy, một số phụ huynh có nhu cầu cho con em ở lại trường buổi trưa để buổi chiều học tiếp. Chúng tôi không tổ chức cho học sinh ăn trưa mà chỉ tổ chức cho học sinh nghỉ trưa. Tức là các em sẽ ăn trưa tự do và vào phòng nghỉ có sự quản lý của nhà trường.
Phòng nghỉ trưa có máy lạnh và có nhân viên, giáo viên quản lý để điểm danh và báo về cho phụ huynh học sinh. Phí 15.000 đồng/buổi/học sinh chính là phí quản lý và tiền điện máy lạnh”.
Ông Khoa nói việc này đã được phụ huynh đồng thuận. Khi bị hỏi về các phản ánh “học sinh nào không có tiền đóng thì ra khỏi lớp, ngồi lang thang ghế đá, gốc cây trong khi buổi trưa rất nắng và nóng, có bữa trời còn mưa…”, ông Khoa cho rằng: “Nhà trường không thể mở cửa phòng học cho học sinh vào nghỉ trưa tự do. Vì chúng ta không thể biết được có chuyện gì xảy ra khi không có sự quản lý của giáo viên”.
Phó chủ tịch huyện Cam Lâm – Khánh Hòa bị cách chức
Bà Lê Phạm Thùy Ngân, Phó chủ tịch thường trực huyện Cam Lâm (Khánh Hòa), vừa bị cách chức do sai phạm trong quản lý đất đai, gây thất thu ngân sách.
Trước đó, bà Ngân cùng nhiều cán bộ ở huyện Cam Lâm bị xác định sai phạm khi cho phép 114 trường hợp tặng cho đất, hiến đất tự làm đường để tách 2.350 thửa với tổng diện tích hơn 57 ha.
Cam Lâm vốn là địa bàn quan trọng, chiến lược về an ninh quốc phòng, nhưng thời gian qua được biết đến như là điểm nóng về sốt đất “phân lô, bán nền”. Theo VnExpess, một số sàn giao dịch bất động sản, cò đất về đây “vẽ” dự án khiến thị trường nhà đất ở huyện rối loạn.
6 sân bay được đề xuất đầu tư mở rộng theo hình thức công tư (PPP)
Bộ Giao thông vừa chọn các sân bay Nà Sản (Sơn La), Vinh (Nghệ An), Chu Lai (Quảng Nam), Cần Thơ, Thọ Xuân (Thanh Hóa), Liên Khương (Lâm Đồng) để đề xuất đầu tư mở rộng theo hình thức PPP.
Đáng chú ý, một số sân bay như Chu Lai, Vinh, Cần Thơ chưa đạt công suất thiết kế, song theo dự thảo quy hoạch đến năm 2030 sẽ được nâng công suất. Một số địa phương như Nghệ An đã kiến nghị mở rộng sân bay Vinh, xây mới nhà ga hành khách T2 công suất 10 triệu hành khách mỗi năm, xây đường cất hạ cánh số 2, xây nhà ga hàng hóa và các hạng mục phụ trợ trước năm 2025…
Gần 1.000 viên chức ở Cần Thơ nghỉ việc hơn 2 năm qua
Theo Dân Trí, chiều 6/10, ông Lê Hùng Yên – Phó giám đốc Sở Nội vụ nói trong họp bài, từ ngày 1/1/2020 đến 30/6/2022, địa phương có 952 viên chức thôi việc, tập trung ở Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Y tế.
Nguyên nhân chủ yếu để công chức nghỉ việc là do mức thu nhập thấp, ông Yên cho biết.
Cán bộ CDC Bạc Liêu chưa nhận tiền của Việt Á
Chiều 6/10, đại tá Lê Việt Thắng, Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu, đã trả lời báo chí về việc điều tra vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Bạc Liêu.
Theo Zing, ông Thắng nói, “CDC Bạc Liêu có sai phạm trong đấu thầu nhưng về mặt tiền nong, các cá nhân của CDC chưa nhận của Việt Á đồng nào”.
Ông Thắng nói thêm rằng: “Vụ này phải điều tra theo đúng pháp luật để ổn định tình hình trong toàn quốc, còn bắt ai đi tù là việc thứ yếu”.
Tên lửa tấn công chung cư Ukraine
Giới chức Ukraine cho biết một quả tên lửa đã bắn trúng khu chung cư tại một khu vực mà Moscow mới sáp nhập của Ukraine, khiến 7 người thiệt mạng, ít nhất 5 người khác bị mất tích.
Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba viết trên Twitter: “Trong đêm, 7 tên lửa của Nga đã bắn trúng những người đang ngủ yên tại nhà của họ ở Zaporizhzhia. Nhiều vụ (tấn công) hơn nữa đã xảy ra trong ngày. Người Nga cứ cố tình tấn công dân thường để gieo rắc nỗi sợ hãi. Sự khủng bố của Nga phải bị ngăn chặn – bằng vũ khí, các biện pháp trừng phạt và cô lập hoàn toàn”.
Theo Reuters, hiện chưa có bình luận nào từ phía Nga về vụ tấn công này.
Trung Quốc “chảy máu” ngoại tệ trầm trọng
Các nhà đầu tư nước ngoài đang tiếp tục rút vốn ra khỏi Trung Quốc. Thị trường trái phiếu Trung Quốc bị “chảy máu” 83 tỷ USD ra nước ngoài, khi các nhà đầu tư nước ngoài cắt giảm việc nắm giữ cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc, theo Nikkei Asia hôm nay (7/10).
“Một phần rõ ràng là do những khó khăn cơ bản trong nền kinh tế Trung Quốc”, theo ông Mark Reade, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về thu nhập cố định tại Mizuho Securities Asia.
Sự sụt giảm của thị trường bất động sản Trung Quốc và sự gián đoạn kinh tế do chính sách zero COVID của nước này đã góp phần làm cho dòng vốn chảy ra ngoài, theo Nikkei.