Vợ chồng ông Vy – bà Ngọt ở Thanh Hóa có tới 10 người con, 40 cháu chắt. Trải qua những năm tháng vất vả mưu sinh, tuổi già của họ nay trở nên viên mãn khi con cháu quây quần, hiếu thảo, mỗi dịp tụ họp lại đông vui như ngày hội.
- 12 cách dạy con phân biệt đúng sai bằng tình yêu thương
- Phá đường dây sản xuất hơn 100 tấn thực phẩm chức năng, thiết bị y tế giả tại Hà Nội
- Ông Lưu Bình Nhưỡng được giảm án, ông Lê Thanh Vân bị bác kháng cáo
Gia đình “mười con vàng”, bếp chưa nguội cơm đã hết
Tại huyện Hà Trung (Thanh Hóa), gia đình ông Nguyễn Văn Vy (SN 1944) và bà Đặng Thị Ngọt (SN 1946) được biết đến với tổ ấm đặc biệt: có đến 10 người con – 5 trai, 5 gái. Các con đều trưởng thành, lập gia đình, con cháu sum vầy. Hiện nay, ông bà có tổng cộng 30 cháu nội ngoại và 10 chắt.
Theo chia sẻ của cô con gái út Nguyễn Thị Minh (SN 1993); bố mẹ chị từng không dùng biện pháp kế hoạch, “có bầu là sinh”; và cả 10 lần bà Ngọt đều sinh thường. Đối với ông bà, mỗi đứa trẻ đến với gia đình đều là lộc trời ban.
Thời trẻ, ông Vy làm nghề đi biển; còn bà Ngọt phụ chồng, làm ruộng, nuôi lợn gà để kiếm thêm thu nhập. Cuộc sống cơ cực khiến ông bà gần như vắng mặt ở nhà, việc chăm em được giao lại cho các anh chị lớn.
“Bữa cơm nhà tôi ngày xưa, cơm nấu đầy nồi lớn mà chưa kịp nguội đã hết. Nhà nghèo nhưng chưa bao giờ thiếu đói quá mức. Bố mẹ tôi luôn cố gắng để con cái đủ ăn, đủ mặc và được học hành tử tế”; chị Nguyễn Thị Bình (SN 1989), người con thứ 9, chia sẻ.
Dạy con bằng cả sự nghiêm khắc và tình thương
Trong ký ức các con, ông Vy là người cha nghiêm khắc, chuẩn mực. Ông dạy con từ cách nói năng, đi đứng cho đến thái độ sống. Câu nói ông hay nhắc nhất là: “Nghèo cho sạch, rách cho thơm”. Ông luôn nhấn mạnh giá trị của sự tử tế và trung thực.
Ngược lại, bà Ngọt là người mẹ mềm mỏng, bao dung. Chính sự kết hợp giữa nghiêm và nhu ấy đã nuôi dưỡng 10 người con lớn lên trong tình yêu thương và kỷ cương.
Con đàn cháu đống, tuổi già ấm êm
Hiện cả 10 anh em đều làm trong lĩnh vực kinh doanh, sinh sống quanh tỉnh Thanh Hóa. Người con trai thứ 8 sống chung để tiện chăm sóc ông bà, các con khác thường xuyên lui tới, hỏi han, phụng dưỡng bố mẹ.
Chị Bình cho biết, mỗi tháng, anh chị em góp tiền mua thuốc men, thức ăn, sửa nhà, và dành một khoản biếu bố mẹ để “có đồng ra đồng vào”.
“Mỗi lần tụ họp, nhà phải làm 4–5 mâm cơm, ăn vòng trong vòng ngoài. Lễ Tết là lúc đông vui nhất, cả đại gia đình sum họp, chuyện trò rôm rả”, chị nói.
Đại gia đình đoàn kết, dâu rể cùng chăm sóc bố mẹ
Không chỉ các con ruột mà dâu rể trong nhà cũng gắn bó, hòa thuận. Chị Bình kể, lần mẹ phải nằm viện, cả dâu rể kéo đến thăm, khiến bác sĩ cũng bất ngờ mà đùa: “Nhà có bao nhiêu người kéo hết lên viện à?”
Điều khiến vợ chồng ông Vy – bà Ngọt hạnh phúc nhất không phải của cải, mà chính là sự đoàn kết, yêu thương giữa các thế hệ. Dù cuộc sống từng khó khăn, nhưng đến hôm nay, họ đã có thể an hưởng tuổi già trong tiếng cười sum vầy của con cháu.
Nguồn Báo VietNamNet