Các hãng xe công nghệ ở Việt Nam dần trở nên bão hoà, lại bị khuynh đảo bởi giá xăng tăng kỷ lục đang phải vật lộn để tồn tại. Trong khi đó taxi truyền thống lại có sự chuyển mình đáng kể về công nghệ, giá cước ổn định nên đang dần dần hồi sinh.
Từ khi ứng dụng đặt xe công nghệ đặt chân vào nước ta đã có sự phát triển mạnh và gần như lấn át hoàn toàn so với đặt xe truyền thống. Do giá cả rẻ cộng với nhiều ưu đãi hấp dẫn cho khách hàng, tích hợp nhiều tiện ích… khiến cho nhiều người lao vào làm đối tác bán thời gian hoặc toàn thời gian cho các hãng xe công nghệ. Nhưng khi xe công nghệ trở nên bão hoà, lại gặp đúng thời giá xăng tăng cao, nhiều tài xế dần dần phải bỏ nghề.
Tài xế công nghệ dần bị “mất giá”
Chia sẻ cùng báo Tuổi Trẻ, anh N.T.P. một tài xế lái xe taxi công nghệ tỏ ra tiếc nuối khi bỏ ngoài tai sự can ngăn của gia đình, bỏ việc văn phòng ngày 8 tiếng lương ổn định 7-9 triệu đồng/tháng để chuyển sang lái xe vì thu nhập hấp dẫn lại tự do. Anh đã vay ngân hàng 700 triệu đồng mua trả góp chiếc Toyota Innova 7 chỗ.
Năm 2018, thời gian đầu thu vào khá ổn với khoảng 28-40 triệu đồng/tháng, trừ hết chi phí anh P. còn dư hơn 15-20 triệu đồng/tháng. Đến năm 2019, số lượng tài xế chạy xe 2-4 bánh ngày càng nhiều, ra đường có lúc toàn thấy xe công nghệ cũng là lúc số cuốc xe giảm dần, app lại tăng tiền hoa hồng khiến thu nhập giảm đi trông thấy. Nhiều tài xế cho biết tỉ lệ “nổ” cuốc giờ giảm gần 50%, tài xế phải “cày” hơn 10-12 tiếng/ngày mới có đủ tiền trả nợ ngân hàng.
“Chạy app bây giờ căng lắm, tài xế như kiểu sai đâu chạy đó chứ không dám hủy cuốc. Nhiều chuyến chạy lỗ cũng cắn răng chấp nhận kẹt xe, cao điểm… chứ hủy cuốc là lại càng ít chuyến. Có chuyến chạy từ TP.HCM tới Bình Dương rồi chạy xe không về” – anh P. nói. Nhiều tài xế băn khoăn nếu “ôm” xe chạy tiếp thì nợ không biết bao giờ trả xong, còn bán xe phải vay mượn thêm cả trăm triệu đồng mới đủ tiền trả nợ.
Thêm vào đó là chức năng phản hồi về chất lượng của chuyến đi cũng như thái độ phục vụ của tài xế từ phía khách hàng cũng có 2 mặt và đánh trực tiếp vào thu nhập của tài xế.
Anh K. (quận Gò Vấp), trước đây chạy xe công nghệ, nay chuyển sang làm thợ may quần áo, bức xúc với nhiều trường hợp app cắt “cái rụp” khi có phản ánh không hài lòng của khách hàng. Như lần anh đón khách ở đường Quang Trung, khách yêu cầu vào tận nơi nhưng do con hẻm quá nhỏ khó vào nên anh K. đề nghị khách ra đầu ngõ.
“Chỉ thế thôi mà tôi nhận đánh giá không hài lòng của khách. Công ty khóa ứng dụng ngay với lý do không đạt chất lượng phục vụ và tỉ lệ hủy cuốc cao cũng sẽ ảnh hưởng đến thu nhập. Lên công ty phân trần nhưng không nhận được sự hỗ trợ, tôi thấy mình chẳng khác nào đi xin xỏ nên quyết định bán chiếc Toyota Vios giá 300 triệu đồng. Giờ tôi cùng vợ mở tiệm may thấy khỏe hơn” – anh K. nói.
Hãng xe công nghệ chật vật giữ chân, tuyển tài xế mới
Trước khi giá xăng khủng hoảng như hiện nay, dù nhiều hãng xe công nghệ mới ra đời cạnh tranh thì số tài xế vẫn luôn dồi dào. Nhưng hiện nay các hãng cũng đang phải chật vật giữ chân tài xế, tuyển tài xế mới, theo báo Dân Việt.
Ông Nguyễn Việt Linh – Giám đốc Truyền thông hãng gọi xe Be đánh giá: Sức ép giá xăng tăng khiến hoạt động của đối tác tài xế gặp nhiều khó khăn. Nhưng về phía ứng dụng, họ cũng không thể tăng giá cước ngay lập tức theo giá xăng vì sẽ ảnh hưởng đến khách hàng.
“Theo ghi nhận của chúng tôi, chi phí hoạt động của các đối tác tài xế tăng trung bình 10-15% liên quan đến giá xăng”, đại diện Gojek Việt Nam nói với báo Dân Việt.
“Tổng hợp yếu tố xăng tăng giá và mất cân bằng cung cầu cục bộ, thời gian qua chúng tôi đã liên tục đưa ra các điều chỉnh trong chính sách giá, chính sách ưu đãi và tìm kiếm các giải pháp để hỗ trợ đối tác tài xế, nhằm đảm bảo thu nhập cho các tài xế, đồng thời ổn định nguồn cung để phục vụ người tiêu dùng”, phía Gojek nhận định.
Taxi truyền thống hồi sinh với diện mạo mới
Nhiều hành khách quen sử dụng xe công nghệ bắt đầu than phiền tình trạng khó gọi xe vài tháng gần đây khiến họ phải quay về với taxi truyền thống. Và khi chính taxi truyền thống tìm cách thay đổi về cách thức hoạt động, đa dạng tiện ích thanh toán thì lại tìm ra đường sống.
Anh Hoàng Công Bình – nhân viên điều phối xe của Mai Linh – cho biết hiện tại với app của Mai Linh, khách dễ dàng chọn điểm đến, hiển thị giá cước và nhiều hình thức thanh toán. “Taxi vẫy đón dọc đường hoặc gọi tổng đài là xưa rồi. Giờ tất cả hiển thị trên app, chẳng khác nào như các app xe công nghệ khác” – anh Bình nói.
Theo báo Tuổi Trẻ, khảo sát giá trên app của các hãng Vinasun, Mai Linh thì kể cả trong các khung giờ cao điểm không hề thay đổi, tính ra rẻ hơn hẳn so với giá đặt xe công nghệ trong khung giờ này. Còn trong những khung giờ vắng thì giá này nhìn chung cao hơn xe công nghệ một chút.
Bà Phạm Thị Tý (quận Bình Thạnh) cho hay đã quay trở lại với taxi truyền thống thay vì đặt xe công nghệ do giá cước cao bất thường, nhất là khi xuất hiện cụm từ “giá xăng tăng”, rồi lại xuất hiện hàng loạt phụ phí như giờ cao điểm, thời tiết xấu… dù không đúng thực tế.
Bà cho biết bây giờ taxi truyền thống cũng có ứng dụng đặt xe, hiển thị lộ trình linh hoạt, tính theo đồng hồ taxi. Bấm vào đặt xe, tài xế taxi gọi điện xác nhận, 5 phút đã đến đón. Bà Tý chia sẻ suy nghĩ rằng khi các hãng taxi truyền thống có một sự chuyển mình đáng kể về công nghệ và thái độ phục vụ, đảm bảo giá cước ổn định nên từng bước giành lại thị phần.
Có thể bạn quan tâm: