Cảnh sát Pakistan cáo buộc một cựu nhân viên bảo vệ tại bệnh viện đã đóng giả bác sĩ và làm phẫu thuật cho một phụ nữ khiến người này tử vong.
- Trung Quốc nóng mặt vì máy bay quân sự Mỹ tới Đài Loan
- Chính trị gia 11 nước đồng loạt kêu gọi tẩy chay Olympic Bắc Kinh 2022
- Video hiện trường hai tàu hỏa đâm nhau thảm khốc, hơn 30 người thiệt mạng
- Mỹ báo cáo: Covid-19 đến từ phòng thí nghiệm của Trung Quốc
Nạn nhân là cụ bà Shameema Begum, 80 tuổi. Theo thông tin từ cảnh sát, hồi giữa tháng 5, bà Begum đến bệnh viện công Mayo ở thành phố Lahore, đông bắc Pakistan, để điều trị vết thương ở lưng. Lúc này, ông Muhammad Waheed Butt, một cựu nhân viên bảo vệ tại bệnh viện, đã đóng giả làm bác sĩ và phẫu thuật cho bà.
Kẻ mạo danh Butt đã nhận tiền phẫu thuật từ gia đình nạn nhân và hai lần đến nhà thăm khám, thay băng cho bà Begum. Tuy nhiên, tình trạng chảy máu vết thương và các cơn đau của bà ngày càng trở nên tồi tệ. Gia đình đưa bà quay lại bệnh viện và phát hiện tại đây không có bác sĩ nào tên Muhammad Waheed Butt.
Bà Begum đã qua đời vào ngày 6/6. Thi thể bà sẽ được khám nghiệm để xác định liệu nguyên nhân tử vong có phải do biến chứng của cuộc phẫu thuật không.
Bệnh viện cho biết ông Butt từng là bảo vệ tại đây và bị sa thải hai năm trước vì định tống tiền bệnh nhân.
“Chúng tôi không thể nắm hết hoạt động của các bác sĩ và nhân viên. Đây là một bệnh viện lớn”, quan chức của bệnh viện Mayo cho hay, nói thêm rằng hiện chưa rõ kẻ mạo danh đã thực hiện loại phẫu thuật nào. Theo AFP, một người chuyên môn cao cũng có mặt trong phòng mổ vào lúc đó.
Phát ngôn viên cảnh sát Lahore Ali Safdar hôm 7/6 cho biết người bảo vệ đã bị bắt giam và khởi tố. “Butt cũng từng đóng giả bác sĩ và đến nhà thăm khám cho các bệnh nhân khác”, ông Safdar nói thêm.
Trước đây, từng có sự cố tương tự xảy ra tại bệnh viện công ở Pakistan. Đầu tháng 5, một người đàn ông bị bắt vì đóng giả bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Lahore và tống tiền bệnh nhân trong khu phẫu thuật. Năm 2016, một phụ nữ giả làm bác sĩ khoa thần kinh đã phẫu thuật suốt 8 tháng cùng các bác sĩ có trình độ tại Bệnh viện Dịch vụ Lahore, cơ sở y tế lớn thứ hai tại Pakistan.
Tại các bệnh viện công ở Pakistan, bệnh nhân thường phải trả tiền trực tiếp cho bác sĩ để được điều trị, dẫn đến tình trạng hỗn loạn và kém hiệu quả.