Thêm 5 ca nhiễm Covid-19 tại Hải Dương và Đồng Tháp; WHO cảnh báo một chủng virus mới gây tử vong lên đến 75% là những nội dung chính bản tin tối nay 26/2.
- Gia cảnh thương tâm của nữ nhân viên y tế mất trên đường trở về từ chốt kiểm dịch
- Hoàn thành xong đợt cách ly, cựu Phó chánh án bị đi ở tù
- Bắt 5 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam
Tin trong nước
Thêm 5 ca mắc Covid-19 mới tại Hải Dương và Đồng Tháp
Tối ngày 26/2, Bộ Y tế công bố thêm 5 ca Covid-19, trong đó có 4 ca được ghi nhận tại Hải Dương, 1 nhập cảnh tại Đồng Tháp.
Tại Hải Dương: 4 ca bệnh tại tỉnh Hải Dương đều là các trường hợp F1 (tiếp xúc gần) đã được cách ly tập trung trước đó.
Tại Đồng Tháp: ca bệnh nhập cảnh là nữ, 24 tuổi, công dân Việt Nam, địa chỉ tại huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ. Bệnh nhân nhập cảnh trái phép vào Việt Nam qua đường mòn lối mở về huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp ngày 23/2.
Với 5 ca bệnh mới, đến ngày 26/2 Việt Nam ghi nhận 2.426 ca bệnh Covid-19 tính từ đầu vụ dịch, trong đó có 1.839 người đã khỏi bệnh và được ra viện.
Phát hiện thêm 7 người liên quan vụ tụ tập vượt biên ở Long An
Ngày 26/2, lực lượng chức năng Long An cho biết Đồn biên phòng Bến Phố (Vĩnh Hưng, Long An) đang tạm giữ, lấy lời khai làm rõ việc 5 đối tượng Tuyền, Hảo, Vân, Mi, Huy đi về khu vực biên giới huyện Vĩnh Hưng để chuẩn bị vượt biên qua Campuchia.
Theo thông tin ban đầu, năm người này khai nhận do có người thân ở Campuchia và nghe bên nước bạn có việc lương cao nên tìm cách vượt biên.
Qua tìm hiểu, năm người này đã liên lạc với Nguyễn Thanh Giang và Võ Văn Xuân và được Xuân, Giang gọi điện cho Nguyễn Văn Phát và Phạm Phúc Long (tất cả cùng ngụ chung xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng) đón đưa về nhà ông Vương ở ấp Tà Nu, xã Hưng Điền A để chờ cơ hội vượt biên thì bị lực lượng chức năng phát hiện.
Như vậy, chỉ từ ngày 24/2 đến nay đã có đến 21 người từ nhiều tỉnh khác nhau về khu vực biên giới Long An để vượt biên qua Campuchia nhưng bị ngăn chặn. Ngoài ra, có sáu người địa phương bị tạm giữ để làm rõ hành vi tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép.
Bố trí 13 chuyến bay đưa công dân hồi hương
Cục Hàng không Việt Nam vừa nhận được kế hoạch triển khai 13 chuyến bay quốc tế đưa công dân hồi hương do Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) sắp xếp. Các chuyến bay dự kiến triển khai trong nửa đầu tháng 3.
Theo đó, từ ngày 5-14/3, các sân bay tại Việt Nam sẽ lần lượt đón chuyến bay giải cứu công dân từ Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Mỹ, Đức, Pháp… và một số nước Đông Nam Á.
Thu giữ thêm 2 tàu trọng tải khủng trong vụ pha chế 2,7 triệu lít xăng giả
Ngày 26/2, Công an Đồng Nai cho hay vừa thu giữ thêm 2 tàu trọng tải khủng trong đường dây buôn lậu, pha chế 2,7 triệu lít xăng xảy ra tại Đồng Nai và nhiều tỉnh thành phía Nam.
Hai phương tiện vừa bị thu giữ đều có trọng tải 1.500 tấn, gồm tàu Nhật Minh 07 và tàu Nhật Minh 09.
Theo Công an Đồng Nai, 2 tàu trên được các nghi phạm sử dụng để vận chuyển, bơm hút xăng lậu. Trong quá trình công an vây bắt tối 6-2, 2 tàu này đã chống trả, đâm va vào tàu của lực lượng chức năng rồi bỏ trốn khỏi hiện trường. Sau đó, các nghi phạm đã sơn, sửa lại tàu nhằm che mắt lực lượng chức năng.
Tin thế giới
Chủng virus mới được cảnh báo có thể gây tử vong lên đến 75%
Theo báo cáo hai năm một lần của Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh do virus Nipah gây ra là một trong 10 bệnh truyền nhiễm có nguy cơ sức khỏe cao với cộng đồng. Đặc biệt, Nipah chỉ là một trong 260 loại virus tiềm ẩn khả năng gây đại dịch cho nhân loại, tương tự Covid-19.
WHO cũng xếp bệnh do virus Nipah gây ra thuộc nhóm nguy cơ cao gây ra đại dịch y tế cho toàn cầu. Nipah gây các vấn đề nghiêm trọng về hô hấp, viêm não, sưng não. Tỷ lệ tử vong từ 40 đến 75%, tùy theo từng khu vực.
Hà Lan nhận định: Bắc Kinh diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ
Theo hãng tin Reuters, Quốc hội Hà Lan mới đây đã thông qua một kiến nghị nói rằng Bắc Kinh phạm tội diệt chủng với người Duy Ngô Nhĩ, đánh dấu quốc gia đầu tiên ở châu Âu đưa ra động thái này.
Trong bản kiến nghị của Quốc hội Hà Lan có ghi: “Một cuộc diệt chủng đối với người thiểu số Duy Ngô Nhĩ đang xảy ra ở Trung Quốc” và chính phủ Trung Quốc phải chịu trách nhiệm. Bản kiến nghị cũng lập luận rằng, “các biện pháp nhằm ngăn chặn sinh sản” và “các trại trừng phạt” của chính quyền Trung Quốc đã được đề cập trong Nghị quyết 260 của Liên hợp quốc về hành vi này.
Tuy nhiên, đảng của Thủ tướng Mark Rutte đã bỏ phiếu chống lại kiến nghị. Sau khi kiến nghị được thông qua, Ngoại trưởng Hà Lan Stef Blok nói với các phóng viên rằng: “Tình hình của người Duy Ngô Nhĩ là mối lo ngại lớn”. Ông hy vọng Hà Lan sẽ hợp tác với các quốc gia khác về vấn đề này.
Anh trừng phạt Thống tướng Myanmar
Theo hãng tin AFP, ngày 25/2 Vương quốc Anh đã áp đặt biện pháp trừng phạt với 6 tướng lĩnh cao cấp của quân đội Myanmar, trong đó gồm cả Thống tướng Min Aung Hlaing, vì vai trò trong cuộc đảo chính quân sự tại Myanmar hôm 1/2.
Theo lệnh trừng phạt, Thống tướng Min Aung Hlaing, hiện đang lãnh đạo chính quyền quân sự, cùng 5 thành viên quân đội bị cấm đến Anh, trong khi các doanh nghiệp và tổ chức của Anh bị cấm giao dịch với họ.
Mời các bạn cùng xem video tin tức tối nay, ngày 26/2/2021