Site icon Tin360

Cha già 2 lần lóc da cứu con: ‘Chọn lại hàng nghìn lần, tôi vẫn làm như vậy’

nguoi-cha-loc-da-cuu-con

Nhờ cha là ông Quản Trọng Công hai lần lóc da vá vết thương, anh Trọng (ảnh nhỏ góc phải) đã vượt qua cửa tử và dần hồi phục (ảnh chụp màn hình từ báo Thanh Niên).

Sau 2 lần lóc da, phía chân và đùi của ông Công chỉ còn trơ phần thịt màu đỏ; dẫu vậy ông lão 67 tuổi vẫn thấy đời mình may mắn. Bởi lẽ, phần da nhăn nheo của người cha già ấy đã cứu con trai 41 tuổi vượt qua cửa tử.

Đến giờ, gia đình ông Quảng Trọng Công (trọ tại chợ Chánh Lưu, phường Chánh Phú Hòa, TX.Bến Cát, Bình Dương) vẫn chưa quên được cái ngày tai họa giáng xuống. Bà Liên (64 tuổi, vợ ông Công) kể, buổi chiều ngày 10/9, anh Trọng (41 tuổi) – con trai ông bà đi mua xăng về đổ cho xe tải. Về gần nhà, anh ngã xe, rồi can xăng cháy phừng phừng khiến Trọng bị bỏng nặng.

Hai vợ chồng già nghe tin như chết lặng. Lao vào viện, nghe bác sĩ bảo cơ hội sống của con rất khó, hai ông bà nhìn nhau rồi thầm khấn, mong phép màu đến với con trai. Chỉ cần có thể cứu con, có ra sao ông bà cũng chấp nhận.

“Vì tôi là một người cha. Tôi sẽ làm bất cứ điều gì kể cả hy sinh mạng sống của mình để có được một cơ hội dù là nhỏ nhoi để cứu con”.

Ông Quảng Trọng Công

Sau gần một tháng điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy, tình trạng của anh Trọng càng ngày càng nặng; phần da bị mất quá nhiều, cần phải có phần da người khác đắp lên làm vật liệu che phủ. Lập tức, ông Công đề nghị bác sĩ lấy da mình để cứu con. Bà Liên cũng muốn cùng chồng san sẻ phần da của mình cho cốt nhục, nhưng ông Công gạt đi. Ông bảo, việc lóc da người đau kinh hãi ấy, e chừng bà không chịu nổi. Cái đau ấy, cứ để mình chịu một mình!

 “Dù bác sĩ nói việc lóc da của tôi cũng không thể đảm bảo chắc chắn được việc con tôi có thể sống, nhưng tôi vẫn chấp nhận làm. Vì tôi là một người cha. Tôi sẽ làm bất cứ điều gì kể cả hy sinh mạng sống của mình để có được một cơ hội dù là nhỏ nhoi để cứu con. Nếu cho tôi lựa chọn lại hàng trăm, hàng nghìn lần tôi vẫn sẽ chấp nhận làm như vậy”, ông Công kể lại với báo Thanh Niên.

Ảnh chụp màn hình báo Pháp luật TP. HCM.

 “Nhìn thấy cảnh chồng mình như vậy, có người vợ nào mà không xót xa. Nhưng vợ chồng tôi vẫn động viên nhau vì cứu con nên có khó khăn nào cũng phải vượt qua. Không có con trai, cuộc sống của hai vợ chồng tôi đâu còn ý nghĩa gì”, bà Liên nghẹn ngào.

Điều diệu kỳ đến sau tình cha vô bờ bến

Có lẽ điều đền đáp xứng đáng nhất dành cho người cha dành cho con sự hi sinh vô bờ bến ấy là sức khỏe của Trọng sẽ được hồi phục. Và thực tế, phép màu đó đã xảy đến.

Theo bác sĩ  Ngô Đức Hiệp, Trưởng Khoa phỏng – tạo hình, BV Chợ Rẫy, anh Trọng là trường hợp bị phỏng khá nặng lên đến 87%, nên anh có thể hồi phục như hiện tại thực sự là một kỳ tích.

“Bệnh nhân Trọng đang hồi phục rất tốt, sức khỏe gần như ổn định nên không cần ghép da từ người thân nữa”, bác sĩ Hiệp cho biết. “Còn ông Công cũng không thể cho da thêm vì ông cũng lớn tuổi và sức khỏe bị suy giảm sau hai lần phẫu thuật lấy da đắp cho con trai mình. Hiện tại vết thương của bệnh nhân Công cũng đã hoàn toàn bình phục, về nhà chỉ cần dưỡng thương và tập vật lý trị liệu là có thể đi đứng lại bình thường”, bác sĩ Hiệp nói với phóng viên báo Pháp luật TP. HCM.

“Chúng tôi rất cảm động! Không phải ai cũng làm được như ông Công”, bác sĩ Hiệp nhắc lại nhiều lần.

“Tôi biết cha lúc nào cũng thương nhưng không nói ngoài miệng, lần này lóc da đau đớn cũng không than tiếng nào. Giờ tôi nhớ cha, thương cha dữ lắm, không biết làm sao trả hết ơn cha dành cho mình”.

Anh Quảng Trọng Trọng.

Còn với anh Trọng, giờ đây mỗi lần nói chuyện hay thấy hình cha là anh lại khóc. Anh tâm sự với phóng viên báo Thanh Niên, rằng bản thân mình bị phỏng nên hiểu rõ cảm giác rát, nhức và đau đớn ra sao nên khi biết cha hai lần lóc da cứu mình thì thấy xót không chịu nổi.

“Tôi biết cha lúc nào cũng thương nhưng không nói ngoài miệng, lần này lóc da đau đớn cũng không than tiếng nào. Giờ tôi nhớ cha, thương cha dữ lắm, không biết làm sao trả hết ơn cha dành cho mình. Cha là động lực để tôi cố gắng mau hồi phục, một phần để cha đỡ lo, một phần lấy lại sức khỏe để sau này có thể chăm lo cho cha mẹ khi về già”, nói đến đây anh chợt rưng rưng.

Có lẽ nghe được những lời này của con trai, hẳn ông Công cũng không giấu được niềm sướng vui cảm động. Dẫu biết cuộc sống còn khó khăn, khi gia đình ông chỉ mưu sinh nhờ lao động chân tay (ông hàng ngày thu gom rác tại chợ Chánh Lưu, bà làm giúp việc); giờ mất sức khỏe, hẳn là kinh tế ảnh hưởng. Nhưng với gia đình ông, còn cha mẹ – còn con là còn tất cả; còn tấm lòng – còn sự hy sinh cho nhau thì vẫn còn là người may mắn giữa cuộc đời.