Site icon Tin360

Châu Âu kêu gọi tự chủ về nguồn cung y tế khi Trung Quốc nắm đến 80% kháng sinh

tự chủ nguồn cung y tế

Ảnh minh họa trên Pixabay.

Từ những năm 1990, hoạt động của ngành dược phẩm châu Âu và Mỹ đa phần chuyển sang Trung Quốc. Khi đại dịch bùng phát, phương Tây và Mỹ phải đối mặt với thách thức làm thế nào để giành lại quyền chủ động về thuốc men giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.

Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu EU, ông Josep Borrell trả lời phỏng vấn của nhiều tờ nhật báo lớn của châu Âu trong ngày 6/5, cho biết hiện châu Âu không thể tự sản xuất Paracetamol, 80% việc sản xuất các loại thuốc kháng sinh trên thế giới đang tập trung ở Trung Quốc.

Ảnh chụp màn hình.

Ông thừa nhận rằng trong thời kỳ bình thường có thể tin cậy vào các thị trường toàn cầu trong việc cung ứng vật tư y tế, nhưng trong thời khủng hoảng thì điều này là sai lầm. 

Theo ông Borrell, đại dịch lần này cho thấy tầm quan trọng của các kho dự trữ vật tư y tế quan trọng, cũng giống như các kho dự trữ dầu mỏ hiện nay. Ông cho rằng phải xem lại việc tự sản xuất thuốc, cần điều chuyển các cơ sở sản xuất thuốc của châu Âu. ĐIều này không quá khó, quan trọng là các nước phải tác động đến các doanh nghiệp lớn của mình.

Tờ Le Figaro của Pháp nhận định trong vòng chưa đến 30 năm, gần như mọi quốc gia trên thế giới, đi đầu là châu Âu và Mỹ, đã đẩy phần lớn việc sản xuất thuốc men và trang thiết bị y tế cho Trung Quốc.

Thậm chí giờ đây Trung Quốc trở thành xưởng bào chế hơn 80% hoạt chất chính được dùng trong ngành công nghiệp dược phẩm. Đáng nói hơn nữa là quốc gia rộng lớn này nắm giữ 80-90% dược liệu để bào chế ra các hoạt chất chính và cả loại thuốc thay thế các dược phẩm hiện giờ không còn được bào chế nữa.

Điều chế thuốc trong phòng thí nghiệm – ảnh trên twitter usuario anonimo.

Ấn Độ cũng là một nhà sản xuất dược phẩm, số liệu thống kê hồi tháng trước cho thấy nước này đã xuất khẩu 1,9 triệu vỉ Paracetamol và dạng khác của loại thuốc này cho 31 nước trên thế giới, đồng thời cung cấp nhiều loại thuốc khác cho 87 quốc gia. Song điều trớ trêu là bản thân nền sản xuất dược phẩm nước này phụ thuộc đến 80% vào hoạt chất chính do Trung Quốc bào chế.

Chuyên gia Rosemary Gibson của viện Hastings, Mỹ đã nói một cách hình ảnh rằng tất cả mọi con đường đều dẫn đến Trung Quốc. Ông nêu điều đáng ngạc nhiên là số liệu thống kê về ngành công nghiệp dược phẩm thường được bao phủ bằng một bức màn bí mật cho dù chúng ta đang sống trong thời kinh tế toàn cầu.

Mới đây Đài quốc tế Pháp RFI đưa tin Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, nguyên thủ Nga Vladimir Putin và lãnh đạo Mỹ Donald Trump đều có chung yêu cầu hồi hương các dây chuyền sản xuất quan trọng, khôi phục lại nền sản xuất dược phẩm và công nghiệp hóa học của quốc gia.

Từ trước những năm 1980, ngành công nghiệp dược phẩm của châu Âu khi đó rất mạnh. Khoảng 80% các hoạt chất chính vẫn được sản xuất tại châu lục này, chỉ có 20% được nhập từ nước ngoài. Sau hơn 30 năm các con số này đã bị đảo ngược, Châu Âu và Mỹ đang lên kế hoạch phục hồi lại ngành công nghiệp hóa dược quan trọng này trước khi quá muộn.