Lầu Năm Góc đã điều động máy bay ném bom tầm xa, máy bay trinh sát săn ngầm, tàu sân bay, tàu chiến và tàu ngầm đến khu vực biển Ấn độ dương – Thái Bình dương để cảnh báo Trung Quốc rằng Hoa Kỳ đã sẵn sàng ra tay ngăn chặn tham vọng trên biển của Bắc Kinh.
- Cập nhật tối 19/6: 2 người bị điện giật chết khi treo băng rôn ở cổng huyện ủy; đối đầu Trung Quốc, Ấn Độ mua gấp 33 máy bay chiến đấu
- Biển Đông: Việt Nam có thể đàm phán để ‘lấy lại’ Hoàng Sa không?
- Phân tích Biển Đông: ‘Nếu Việt Nam dám nộp đơn kiện, tôi tin Trung Quốc sẽ không ngồi yên’
Gần đây, trên các thông cáo báo chí cũng như trang mang Twitter của hải quân Mỹ đăng tải thông tin Mỹ đồng thời triển khai ba tàu sân bay tuần tra ở vùng biển Thái Bình Dương, máy bay oanh tạc B-1B trên đảo Guam ở phía Tây Thái Bình Dương, máy bay trinh sát không người lái Global Hawk được điều tới Nhật Bản để làm nhiệm vụ trong khu vực. Mỗi tàu sân bay chở theo hơn 60 chiến đấu cơ.
Trước đó, vào ngày 09/05, Hải quân Mỹ thông báo vừa điều động 3 tàu ngầm để tập trận cùng một số tàu chiến nổi, máy bay của nước này đến khu vực biển Philippines từ ngày 02/05 đến ngày 08/05. Phía Mỹ cho biết nội dung tập trận bao gồm các hoạt động trên mặt biển, dưới mặt nước và đổ bộ.
Mỹ tăng cường sự hiện diện của hải quân gồm cả tàu chiến nổi lẫn tàu ngầm cũng như không quân chính là nhằm mục đích đẩy lùi các hành động của Trung Quốc trong khu vực Ấn độ dương – Thái Bình Dương nói chung và vùng Biển Đông nói riêng.
Mới đây nhất vào ngày 17/06 lực lượng không quân Mỹ cho biết Mỹ đưa 2 oanh tạc cơ B-52H thuộc Không đoàn ném bom số 2 đang đóng quân tại căn cứ Eielson, bang Alaska, đã phối hợp với máy bay tác chiến điện tử E/A-18G Growler của hải quân Mỹ để thực hiện diễn tập với Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản (JASDF) trên vùng biển ngoài khơi Nhật Bản.
Theo giới phân tích, việc Bộ Quốc Phòng Mỹ không ngần ngại công bố hình ảnh về hoạt động của các nhóm tàu sân bay cho thấy những thông tin từ Bắc Kinh rằng Hải Quân Mỹ đã bị virus corona đánh gục là không đúng sự thật. Việc này cũng được nhìn như là cách Mỹ gửi thông điệp đến Bắc Kinh, nhắc nhở Bắc Kinh cần có sự kiềm chế hơn trong với các hành vi bất hợp pháp ở Biển Đông.
Trước đó, trong một buổi trao đổi về chủ đề “An ninh khu vực và Biển Đông trong giai đoạn Covid-19” do Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam tổ chức vào ngày 27/05, phía Mỹ đã bày tỏ, trong khi nhiều nước đang phải cùng phối hợp vượt qua cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19, thì Trung Quốc lại lợi dụng đại dịch để ép các quốc gia trong khu vực nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền Biển Đông qua “chiến thuật vùng xám”.
Chiến thuật “vùng xám” thể hiện qua những hoạt động: kiểm soát quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam bằng cách thành lập 2 đơn vị hành chính cấp quận – huyện bất hợp pháp; đâm chìm tàu cá Việt Nam gần Hoàng Sa; xây trạm nghiên cứu trên đá Chữ Thập và đá Xu Bi ở quần đảo Trường Sa; dọa dẫm và ngăn chặn Malaysia thăm dò, khai thác tài nguyên ngoài khơi.
Theo bà Bonnie Glaser, Cố vấn cấp cao về châu Á và Giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ), với chiến thuật “vùng xám”, Trung Quốc sử dụng các đội tàu bao gồm tàu hải cảnh, tàu thăm dò và dân quân biển dọa dẫm, quấy rối, ngăn chặn các nước láng giềng đánh bắt, khai thác tài nguyên nhưng dưới mức chiến tranh.
Bà nhấn mạnh thêm rằng Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông để thâu tóm tài nguyên và Bắc Kinh đang cố thực hiện ý đồ này trong lúc đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) với các nước ASEAN.
Tờ Thanh Niên dẫn bình luận của Phó giáo sư Stephen Robert Nagy thuộc Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế – Nhật Bản đối với việc Mỹ gần đây triển khai liên tục lực lượng quân sự trên cả phương diện hải quân và không quân là nhằm vào 3 mục đích sau:
- Mục đích thứ nhất là Lầu Năm góc muốn thể hiện rằng Mỹ có đủ lực lượng quân sự hỗn hợp toàn diện gồm tàu chiến nổi, máy bay chiến đấu, tàu sân bay và tàu ngầm để sẵn sàng ngăn chặn Trung Quốc có những hành vi gây lo ngại trên Biển Đông cũng như khu vực Ấn độ dương – Thái Bình Dương.
- Mục đích thứ hai là Washington muốn gửi thông điệp rằng sẽ không để cho tàu ngầm của Bắc Kinh kiểm soát Biển Đông. Lý do vì Trung Quốc có thể điều động tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo hạt nhân đến Biển Đông kết hợp cùng các tàu chiến nổi và máy bay để bao quanh các thực thể và đảo mà Trung Quốc đang chiếm giữ phi pháp tại vùng biển này.
Để phòng ngừa khả năng này, Lầu Năm Góc đã đưa thông tin chứng minh rằng tàu ngầm của Trung Quốc sẽ gặp phải sức mạnh đáng gờm của lực lượng hải quân Mỹ.
- Thứ ba, trong dài hạn, Mỹ cần chứng minh rằng việc Trung Quốc đang liên tục quân sự hoá các thực thể nhân tạo là vô dụng đối với chiến lược thôn tính Biển Đông mà Bắc Kinh theo đuổi. Trung Quốc đã tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền để phát triển hạ tầng, quân sự hóa các thực thể này vì tin rằng đây là phương tiện tốt nhất cho chiến lược bá chủ Biển Đông.
Các cuộc tập trận vừa qua của Mỹ bao gồm tàu ngầm, tàu chiến nổi cùng máy bay như máy bay B-1 cũng mang theo 8 tên lửa hành trình Tomahawk. Với tầm bắn khoảng 1.000 km, số tên lửa Tomahawk trên máy bay và tàu chiến Mỹ sẽ đủ sức vô hiệu hóa các thực thể, đảo mà Trung Quốc đang quân sự hóa ở Biển Đông.