Bộ Thương mại Mỹ ngày 20/7 thông báo danh sách 11 doanh nghiệp Trung Quốc vào diện bị trừng phạt vì liên quan các vi phạm nhân quyền với người thiểu số Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.
- Anh dừng hiệp ước dẫn độ và cấm xuất khẩu vũ khí sang Hong Kong
- Lũ lụt: Trung Quốc nâng mức cảnh báo, gần 4 triệu người tại Ấn Độ, Nepal và Banladesh sơ tán
- Làn sóng chuyển Tập đoàn lớn khỏi Trung Quốc
Hãng AFP đưa tin Washington và một số quốc gia phương Tây cũng như nhiều tổ chức nhân quyền đưa ra cáo buộc Bắc Kinh đã bắt giam ít nhất 1 triệu người Hồi giáo thuộc cộng đồng người thiểu số Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.
Trong số 11 công ty Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt, có tới 9 Công ty bị cáo buộc có liên quan tới việc cưỡng ép lao động, phần lớn là các công ty dệt may.
Còn lại hai Công ty là Xinjiang Silk Road và Beijing Liuhe bị phạt vì đã thực hiện những phân tích gen được sử dụng để tiếp tục đàn áp người Duy Ngô Nghĩ.
Đây là nhóm Công ty thứ ba tại Trung Quốc bị Mỹ liệt vào danh sách đen, tổng cộng hai đợt trước có 37 thực thể bị Washington công bố trừng phạt vì liên quan cáo buộc chiến dịch đàn áp tại Tân Cương.
Tổng thống Mỹ tháng trước ký ban hành Đạo luật Chính sách Nhân quyền người Duy Ngô Nhĩ, cho phép trừng phạt những người liên đới việc giam hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm Hồi giáo khác ở Tân Cương, gồm cả Bí thư Đảng ủy Tân Cương Trần Toàn Quốc.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington chưa bình luận về sự việc lần nầy. Hồi tháng 5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chỉ trích chính phủ Mỹ vì trừng phạt công ty của họ, cho rằng Mỹ đã vượt qua khái niệm an ninh quốc gia và can thiệp vào vấn đề nội bộ của Trung Quốc.
Đầu tháng 7 này Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng cách đối xử của Trung Quốc với người Duy Ngô Nhĩ là “vết nhơ thế kỷ”.
Tuy nhiên Bắc Kinh sau đó bác bỏ mọi thông tin, cho biết người Duy Ngô Nhĩ đang tham gia các trung tâm đào tạo nghề chứ không phải bị bắt giam hay lao động khổ sai như Mỹ và một số nước cáo buộc.