Bà Lê Thị Nga mới học hết lớp 8 nhưng sau đó đổi tên, mượn bằng hàng xóm để đi học và làm giáo viên. Vụ gian lận bằng cấp này có vai trò của bố bà Nga.
- Cán bộ mua bằng tiếng Anh giả của Đại học Đông Đô để… bảo vệ luận án tiến sĩ
- Bằng bác sĩ giả giá chỉ 3 triệu đồng
- Dùng 2 bằng giả để hành nghề bác sĩ ở bệnh viên công
Theo Dân Trí, ngày 28/12, trường THCS Lương Thế Vinh (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) kiểm điểm đối với bà Lê Thị Ngọc Châu – giáo viên môn Âm nhạc của trường.
Theo một lãnh đạo nhà trường, họ đã nhận được công văn của UBND TP Buôn Ma Thuột về việc xử lý kỷ luật đối với bà.
Nhà trường đã yêu cầu bà Lê Thị Ngọc Châu chuẩn bị bản kiểm điểm về những vi phạm của cá nhân về việc sai phạm sửa đổi lý lịch, sử dụng bằng tốt nghiệp THPT của người khác để đi học và đi dạy.
Trước đó, cơ quan chức năng TP Buôn Ma Thuột nhận được đơn tố cáo về việc bà Lê Thị Ngọc Châu “mượn” bằng của người khác và đổi lý lịch để đi học, đi dạy.
Theo hồ sơ từ cơ quan chức năng, bà Lê Thị Ngọc Châu tên thật là Lê Thị Nga (sinh năm 1975, quê huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) có trình độ văn hóa 8/12. Bà Nga có bố đẻ là ông Lê Văn H. và mẹ đẻ là Nguyễn Thị N.
Còn bà Lê Thị Ngọc Châu (thật) (sinh năm 1972) có trình độ văn hóa 12/12, là hàng xóm của bà Nga, có bố đẻ là ông Lê Văn N. và mẹ là Lê Thị C.
Theo báo Tuổi Trẻ, năm 1992, để hợp thức hóa hồ sơ cho bà Nga đi học Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa, ông Lê Văn H. thông qua cán bộ xã sửa đổi tên tuổi của con gái trong giấy khai sinh thành Lê Thị Ngọc Châu.
Năm 1996, bà Lê Thị Nga xin cấp mới chứng minh nhân dân thành Lê Thị Ngọc Châu sinh ngày 2/2/1972, có bố là Lê Văn H. và mẹ là Nguyễn Thị N.. Từ khi “thay tên, đổi tuổi”, bà Nga dùng tên tuổi, hồ sơ học tập của bà Châu để đi học trung cấp, cao đẳng, đại học rồi xin việc, đi dạy.
Khi có bằng trung cấp, bà Nga nộp hồ sơ vào Trường cao đẳng Nhạc – họa trung ương (hệ tại chức) và đến năm 1997 thì tốt nghiệp.
Từ năm 2009 – 2013, bà Nga tiếp tục sử dụng bằng tốt nghiệp THPT mang tên bà Châu để học Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và tốt nghiệp cử nhân âm nhạc hệ tại chức tại trường này.
Cũng theo hồ sơ, vào năm 1996, bà Nga sử dụng bằng trung cấp mang tên Lê Thị Ngọc Châu để xin việc và được tuyển dụng vào làm giáo viên âm nhạc tại Trường THCS Dân Lực, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa).
Vào năm 2000, bà Nga dưới tên Châu đã chuyển vào Đắk Lắk và được nhận vào công tác tại một trường Tiểu học thuộc huyện Buôn Đôn. Đến năm 2013, bà Nga đã chuyển công tác về trường THCS Lương Thế Vinh và công tác cho đến hiện tại.
Sau khi sự việc vỡ lở, bà Nga viết tường trình, trong đó nói sự việc một phần do “thiếu hiểu biết về pháp luật”.
“Mục đích của tôi lúc bấy giờ cũng chỉ có mong muốn học để có một cái nghề sau này sinh sống chứ không có mục đích gì khác và bản thân cũng chưa sử dụng bằng cấp gì để gây hậu quả nghiêm trọng”, Dân Trí trích lời nữ giáo viên này.
Về hình thức xử lý, UBND TP Buôn Ma Thuột cho biết đã yêu cầu Trường THCS Lương Thế Vinh buộc thôi việc đối với bà Nga vì đã gian dối trong việc khai báo lý lịch, sai phạm về bằng cấp. Ngoài bị buộc thôi việc, bà Nga còn bị xử phạt vi phạm hành chính.
Theo một nguồn tin khác, chồng của bà Nga là phó trưởng phòng Thông tin báo – xuất bản Sở Thông tin và truyền thông Đắk Lắk cũng được yêu cầu báo cáo về việc gian dối bằng cấp của vợ ông này.
Theo đó, một lá đơn lan truyền trên mạng Internet tố cáo bà Nga sai phạm trong việc “thay tên đổi tuổi” để đi học, gian dối bằng cấp để đi làm có nêu đích danh tên lãnh đạo cấp phòng này.
Sau khi cơ quan chức năng xác định bà Nga có sai phạm, sở cũng yêu cầu lãnh đạo này báo cáo.