Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết nước này đã sẵn sàng bảo vệ chủ quyền của mình trong khi tiếp tục kêu gọi Trung Quốc rút ngay hàng trăm tàu vẫn đang neo đậu ở Đá Ba Đầu.
- Điểm tin 29/3: ‘Cá mập nuốt cá con’ trong vụ lan đột biến giá trăm tỷ; Chính quyền Biden ngăn nghị sỹ quay video
- Điểm tin 28/3: Dân khổ đủ đường vì dự án treo 4.300 tỷ đồng; Trung Quốc tập trận mới ở Biển Đông từ ngày mai
- Điểm tin 27/3: Cảnh sát giao thông hú còi cho xe chở sản phụ; Hàng trăm tàu Trung Quốc phạm pháp nghiêm trọng
Tờ Philstar ngày 29/3 đưa tin ông Lorenzana đảm bảo với người dân Philippines rằng chính phủ đang tích cực giải quyết vụ việc gần 200 tàu dân quân biển Trung Quốc đã neo đậu ở Đá Ba Đầu tại cụm đảo Sinh Tồn kể từ đầu tháng Ba.
“Chúng tôi giữ vững lập trường kêu gọi rút ngay lập tức các tàu Trung Quốc ở Đá Ba Đầu, thông báo này đã được gửi tới đại sứ Trung Quốc. Chúng tôi sẵn sàng bảo vệ chủ quyền quốc gia và bảo vệ tài nguyên biển của Philippines”, ông Lorenzana cho biết trong một tuyên bố hồi cuối tuần qua.
Philippines sẽ có nhiều cuộc tuần tra chủ quyền hơn
Bộ trưởng Quốc phòng Lorenzana cho biết ông đã ra lệnh tăng cường sự hiện diện của Hải quân và Cảnh sát biển để tiến hành các cuộc tuần tra chủ quyền và bảo vệ ngư dân địa phương ở Biển Tây Philippines.
Không quân Philippines cũng đã triển khai máy bay phản lực AS211 mỗi ngày để giám sát tình hình tại Đá Ba Đầu.
Tờ South China Morning Post ngày 27/3 dẫn nguồn Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc cho biết nước này sẽ tiến hành tập trận quân sự ở Biển Đông trong ngày hôm nay và ngày mai. Bắc Kinh ra lệnh cấm tàu thuyền đi vào một khu vực nằm giữa Hải Nam (tỉnh cực nam của Trung Quốc) và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Ông Collin Koh, một nhà nghiên cứu từ Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam tại Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, cho rằng cuộc tập trận này là nhằm răn đe các nước có ý định “hành động trực tiếp chống lại các tàu thuyền ở các bãi đá ngầm” ở quần đảo Trường Sa.
Trước động thái này, Bộ Quốc phòng Philippines đang phối hợp với các cơ quan chính phủ khác, bao gồm cục Nghề cá và Nguồn lợi Thủy sản Philippines xem xét các hoạt động ở Biển Tây Philippines và nhóm đảo Kalayaan.
Ông Lorenzana nói: “Bằng cách bảo vệ an ninh Biển Tây Philippines và nhóm đảo Kalayaan, Philippines sẽ củng cố cam kết đảm bảo tự do hàng hải và duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực”.
Trước đó, Trung Quốc biện minh rằng các tàu chỉ tìm nơi trú ẩn trong rạn san hô do thời tiết xấu.
4 tàu hải quân Philippines sẽ tham gia tuần tra
Ít nhất 4 tàu hải quân sẽ tuần tra Biển Tây Philippines sau vụ tàu cá Trung Quốc ở Đá Ba Đầu gần đây.
Phó Đô đốc Hải quân Philippines Giovanni Carlo Bacordo cho biết tàu hộ tống BRP Ramon Alcaraz và tàu tuần tra ngoài khơi BRP Conrado Yap đã được triển khai cho Lực lượng Hải quân phía Tây và Lực lượng Hải quân phía Bắc Luzon để tiến hành các cuộc tuần tra chủ quyền ở Biển Tây Philippines.
Ông Bacordo nói thêm rằng các khinh hạm tên lửa mới của Hải quân Philippines, BRP Jose Rizal và BRP Antonio Luna, “cũng sẽ được triển khai để tuần tra chủ quyền ngay sau khi hoàn thành các cuộc huấn luyện bắt buộc và thử nghiệm hệ thống của nhà sản xuất”.
Việt Nam lên tiếng phản đối
Hôm 25/3, Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định hoạt động của hàng trăm tàu Trung Quốc tại khu vực đảo Sinh Tồn Đông là hành vi xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.
Theo Zing, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: Hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam; vi phạm quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS 1982); đi ngược lại tinh thần và tuyên bố của các bên về cách ứng xử ở Biển Đông DOC; làm phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (COC).