Site icon Tin360

Thảm họa lở núi ở Quảng Nam: Cứu được hơn 30 người, có 3 em nhỏ tại Trà Leng

Tra-Leng-lo-dat

Lực lượng cứu hộ gấp rút cứu người ở Trà Leng (ảnh chụp màn hình báo Tuổi Trẻ).

Lúc 15h 30 chiều nay 29/10, nhà chức trách xác nhận tìm thấy 4 nạn nhân sống sót trong vụ lở đất ở thôn 1, xã Trà Leng. Họ gồm phụ nữ và trẻ em (từ 8 đến 15 tuổi), được chuyển đến bệnh viện cấp cứu.

Bao nhiêu người đã được cứu sống?

Theo Zing, chiều nay 3 cháu bé và một người lớn trong gia đình chị Hồ Thị Hậu bị thương trong vụ sạt lở ở Trà Leng được cứu hộ kịp thời. Con gái chị Hậu là bé Hà Thị My khóc nhiều vì đau. Bé bị gãy xương đùi, vết thương rất nặng.

Hiện các bác sĩ quân y băng nẹp vết thương, sơ cứu cho bé My. Theo chị Hậu, bố của chị là một trong 6 nạn nhân thiệt mạng trong vụ sạt lở tại Trà Leng chiều 28/10.

Ảnh chụp màn hình báo VnExpress.

Trung tá Hà Ra Diêu, Chỉ huy Trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện Nam Trà My, cho hay hiện lực lượng chức năng đã cứu sống được 33 người, trong đó có 16 người bị thương.

Một em nhỏ được cứu sống (ảnh chụp màn hình báo Zing).

Vietnamnet cho biết, trong 16 người bị thương, có người bị thương nặng, thậm chí có trường hợp bị nguy kịch.

Còn bao nhiêu người mất tích ở Nam Trà My?

Đến 16h chiều nay, nhà chức trách thông báo với báo giới, hiện còn 13 người đang mất tích trong các vụ lở núi ở Nam Trà My. Như vậy, trong số 52 nạn nhân mất tích của 2 vụ lở đất ở huyện này, đã tìm thấy 6 thi thể, 33 người được cứu (trong đó 16 người bị thương).

Tuy nhiên, tính cả vụ sạt lở tại Trà Vân – nơi đã tìm thấy 8 thi thể từ tối qua, thì đến giờ số người chết do sạt lở tại Nam Trà My lên tới 14 người.

Tìm 11 người mất tích ở Phước Sơn: Đã tìm thấy 5 thi thể

Tại hiện trường vụ lở núi tại Phương Sơn – một huyện của Quảng Nam, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy 5 thi thể, tính đến 15h30, theo Tuổi Trẻ.

Việc đưa các thi thể này ra khỏi khu vực sạt lở đang được gấp rút tiến hành.

Ảnh chụp màn hình báo Tuổi Trẻ

Những hình ảnh hiện trường tại Phước Sơn cho thấy, một lượng bùng đất rất lớn ập xuống khu vực gia đình các nạn nhân. Cảnh tượng khủng khiếp phần nào như vụ lở đất tại trạm 67 làm 13 quân nhân và cán bộ thiệt mạng hai tuần trước.

200 công nhân kêu cứu giữa rừng

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam nói với Thanh Niên, khoảng 200 công nhân thi công thủy điện Đăk Mi 2  đang bị cô lập do sạt lở.

Theo ông Hà, lực lượng cứu hộ đang cố gắng chuyển đồ tiếp tế cứu đói cho những người này.

Phương án ưu tiên là cho người đưa hàng bằng đường sông. Sau đó, dùng cáp treo để chuyển hàng cứu trợ cho 200 người.

“Trường hợp không thể tiếp cận đường bộ và đường thủy, chúng tôi tính phương án đưa lương thực bằng máy bay rồi thả xuống cho các điểm có công nhân”, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam nói.

Thủy điện Đăk Mi 2 (ảnh hado.com.vn).

Ông Lê Xuân Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP Năng Lượng Agrita Quảng Nam (chủ đầu tư công trình thủy điện Đăk Mi 2), người cũng đang mắc kẹt giữa rừng, nói qua điện thoại với Thanh Niên: “Hiện mọi người vẫn an toàn, tuy nhiên nhu yếu phẩm đã cạn kiệt. Với khoảng 200 người, nếu ăn cháo thì có thể cầm cự đến trưa mai (30/10).

Sang ngày 31/10 thì không còn thức ăn gì nữa. Tôi đã liên hệ với các ngành chức năng để báo tình hình và đề nghị cấp lương thực, thực phẩm nhưng hiện đường vào công trường rất khó khăn do sạt lở. Hiện các tốp công nhân đang ở 5 điểm khác nhau và không thể liên lạc với nhau”.