Áp lực của cộng đồng quốc tế ngày càng lên cao sau khi Quốc hội Trung Quốc thông qua đạo luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông, một đạo luật được đánh giá là đe dọa quyền tự trị của đặc khu hành chính này.
Xem thêm:
- Trump đối đầu Bắc Kinh: Ngày 29/5 – cột mốc trong đối sách Hoa Kỳ với Trung Quốc
- Cập nhật sáng 30/5: Trung Quốc dọa Anh, nhắn Mỹ ‘đừng hòng bắt cóc Liên Hiệp Quốc’
Theo thông tin của RFI, vào ngày 28/05/2020, một thông cáo chung của bốn nước bao gồm Hoa Kỳ, Anh Quốc, Canada và Úc đã lên án Trung Quốc vi phạm các nghĩa vụ quốc tế khi thông qua đạo luật về an ninh quốc gia đối với Hồng Kông, nhằm ngăn chặn các cuộc biểu tình rầm rộ như đã diễn ra vào năm ngoái tại đặc khu hành chính này. Bản thông cáo thể hiện mối « quan ngại sâu sắc » về một đạo luật « sẽ hạn chế các quyền tự do của người dân Hồng Kông » và « làm xói mòn nghiêm trọng nền tự trị và hệ thống đã giúp cho vùng lãnh thổ này thịnh vượng như vậy ».
Theo SCMP, cũng vào ngày 28/5, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho biết người dân Hong Kong có hộ chiếu hải ngoại có thể được nước này cấp quyền công dân nếu Trung Quốc không rút luật an ninh. Bộ trưởng Nội vụ Anh Priti Patel cũng khẳng định sẽ tìm cách cấp quyền công dân cho người Hong Kong sở hữu hộ chiếu Anh ở hải ngoại nếu Bắc Kinh không rút luật an ninh. Được biết Hộ chiếu quốc gia Anh ở hải ngoại được cấp cho người Hong Kong sinh trước năm 1997, thời điểm bàn giao Hồng Kông về Trung Quốc. Loại hộ chiếu này là cánh cửa để người dân Hồng Kông sang Anh định cư và xin nhập quốc tịch Anh một cách dễ dàng.
Theo hãng tin AFP vào ngày 28/05, Mỹ và Anh Quốc đã thuyết phục được Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc tổ chức một cuộc thảo luận không chính thức về tình hình Hồng Kông. Vì là cuộc họp không chính thức, nên các thành viên của Hội Đồng Bảo An có thể đề cập đến nhiều vấn đề khác nhau. Sau khi biết thông tin này, Trung Quốc đã lên tiếng cáo buộc Mỹ đang hành xử như kẻ bắt cóc Liên Hiệp Quốc, đồng thời đe dọa sẽ trả đũa Anh nếu Anh cấp quyền công dân cho người Hồng Kông.
Tại Hồng Kông, làn sóng biểu tình chống lại dự luật an ninh của Trung Quốc lên cao, phong trào dân chủ ở Hồng Kông thì cực lực phản đối. Theo tin từ AFP, nữ nghị sĩ Hội đồng Lập pháp Claudio Mo tuyên bố : « Thế là chấm dứt đối với Hồng Kông ».
Vào sáng ngày 30/05 (giờ Việt Nam) tức chiều ngày 29/05 (giờ Mỹ), Tổng thống Trump tuyên bố bắt đầu quá trình loại bỏ chính sách ưu đãi Hong Kong, ông nói “Tôi đang chỉ đạo chính quyền bắt đầu quá trình loại bỏ các chính sách đã giúp Hong Kong được đối xử đặc biệt” và “Điều này sẽ ảnh hưởng đến nhiều thỏa thuận, từ hiệp ước dẫn độ cho tới kiểm soát xuất khẩu với các công nghệ lưỡng dụng và hơn thế nữa, chỉ có một vài ngoại lệ”.
Có thể nói Trung Quốc đang phải đối đầu với áp lực ngày càng gia tăng, tương lai của Hồng Kông và người dân nơi đây ra sao, đó còn là một dấu hỏi; nhưng có lẽ sự thịnh vượng và bình yên ở xứ Cảng thơm trong những năm trước đây giờ đang là sự nuối tiếc của người dân Hồng Kông.