Các chuyên gia nhận định Lào có nguy cơ trở thành một trong những quốc gia đứng đầu trong sổ nợ của Trung Quốc khi liên tục ưu tiên các dự án “Vành đai và Con đường”.
- Cảnh giác với ‘Sáng kiến Vành đai và Con đường’ của Trung Quốc
- Bị tẩy chay, Trung Quốc tìm đường thoát kinh tế ở phía Tây, nhưng liệu có thành?
- Trung Quốc mưa lớn nhất từ 1949, nước đập Tam Hiệp dâng cao vượt mức cảnh báo lũ
Bất chấp tác động kinh tế nghiêm trọng của Viêm phổi Vũ Hán trên toàn cầu, Trung Quốc vẫn đang tận dụng khoảng trống do đại dịch tạo ra, liên tục rót tiền cho các dự án Vành đai và Con đường đã vạch sẵn.
Tờ Dân trí dẫn số liệu từ Bộ Thương mại Trung Quốc, 4 tháng đầu năm 2020, nước này đầu tư trực tiếp 5,23 tỷ USD vào các khu vực phi tài chính ở 53 quốc gia tham gia Vành đai và Con đường, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong các quốc gia Đông Nam Á, Lào là một trong những nước nhận viện trợ chính từ Trung Quốc. Đổi lại, Lào phải chấp nhận 3 yêu cầu cơ bản, gồm: ủng hộ chính sách của Bắc Kinh về các vấn đề tại Đài Loan và Tây Tạng; các công ty Trung Quốc được phép khai thác tài nguyên tại Lào, đồng thời xây dựng các tuyến đường xuyên suốt từ Lào đến Thái Lan.
Lào đã chấp nhận những yêu cầu do phía Trung Quốc đặt ra, thậm chí còn mở đường để Trung Quốc trở thành nhà đầu tư lớn của mình. Bắc Kinh đã bơm hàng tỷ USD vào các ngành chính như thủy điện, nông nghiệp, khai thác mỏ và xây dựng tại Lào trong những năm gần đây, cốt nhằm tạo nền tảng cho tham vọng “con đường tơ lụa” đang được triển khai.
Dự án đầu tiên trong chiến dịch này là tuyến đường sắt Trung Quốc – Lào có chiều dài lên tới 414 km, trải dài từ quận cực bắc Boten – giáp biên giới Trung Quốc đến thủ đô Vientiane. Khởi công từ 2016 với sự tham gia của 6 nhà thầu Trung Quốc, dự kiến tuyến đường này sẽ hoàn thiện vào cuối 2021.
Một dự án quan trọng khác mà chính phủ Lào đã mạo hiểm chấp nhận là dự án xây dựng con đập lớn thứ 7 trên sông Mekong. Đập nhà máy thủy điện Sanakham có kinh phí hơn 2 tỷ USD, được xây dựng bởi nhà thầu Datang Sanakham, một công ty con của Công ty sản xuất điện quốc tế Datang, Trung Quốc.
Vấn đề nợ công trở nên nan giải cho quốc gia nhỏ bé này khi tính đến năm 2019, thống kê từ Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Lào cho thấy nợ công đã tăng lên hơn 60% GDP, mức mà các nhà kinh tế nhận định là quá cao và nguy hiểm.
Sáng kiến “Vành đai và Con đường của Trung Quốc” vốn đã đối mặt với nhiều tranh cãi, bao gồm cả nghi vấn gieo bẫy nợ cho các nước nghèo và cáo buộc Trung Quốc dùng nó để mở rộng ảnh hưởng địa vị chính trị.
Các chuyên gia đưa ra phân tích rằng Lào nên đưa ra những quyết định đầu tư sáng suốt hơn, bằng cách hợp tác với các nước phát triển khác trong khu vực như Thái Lan, Ấn Độ hay Nhật Bản.