Dự án xây dựng tuyến đường trên biển và trên bộ do Trung Quốc khởi xướng với kế hoạch kết nối Châu Á, Châu Âu và Châu Phi sẽ có cuộc họp giai đoạn II vào tuần này tại Bắc Kinh. Việt Nam có nên tham gia dự án này?

Tên ban đầu của dự án này là “Một vành đai, một con đường”, được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên đưa ra vào cuối năm 2013 khi đề xuất hợp nhất Vành đai Kinh tế con đường tơ lụa và Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21. 

 Sau 3 năm, tên của dự án này được đổi thành “Sáng kiến Vành đai và Con đường” nhằm tránh những lời chỉ trích về việc “xây dựng thể chế xoay quanh Trung Quốc” và hiểu nhầm rằng sẽ chỉ có một vành đai và một con đường, trong khi trên thực tế đây là dự án kết nối châu Á, châu Âu và châu Phi qua 5 tuyến đường khác nhau.

 Sáng kiến Một Vành đai và một con đường.
Sáng kiến Một Vành đai và một con đường – ảnh: Conversation.

Dự án này được nhìn nhận là một trong những đại dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng lớn nhất trong lịch sử nhân loại, bao phủ hơn 68 quốc gia với 65% dân số thế giới và chiếm tới 40% GDP toàn cầu (với số liệu của năm 2017).

Về đường bộ, tuyến đường chính được gọi là “Huyết mạch” dự án này là tuyến thương mại gồm 11.000 km đường sắt xuyên lục địa Á – Âu, bắt đầu từ Tây An tới khu vực phía tây Trung Quốc, qua các quốc gia Trung Á để vươn tới châu Âu. Trên biển, đó chính là xây dựng tuyến giao thương hàng hải đi qua Biển Đông, eo biển Malacca, xuyên Ấn Độ Dương tới châu Phi, qua Địa Trung Hải trước khi kết thúc ở Italy.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Bắc Kinh  của diễn đàn Vành đai và Con đường vào năm 2017 có đại diện từ 100 quốc gia, trong đó có 29 nguyên thủ quốc gia tham dự. Tuy nhiên, tại thời điểm đó có 6 nước châu Âu gồm: Anh, Đức, Bồ Đào Nha, Hy lạp và Estonia từ chối ký kết vào bản thông cáo chung công bố khi Hội nghị bàn tròn này kết thúc. 

Lý do của việc từ chối đặt bút ký là dự án này không quan tâm đúng mức đến “các chuẩn mực về môi trường, về các tiêu chuẩn xã hội” và “ không bảo đảm tính minh bạch mỗi khi các cơ quan nhà nước gọi thầu”.  Đây là những chuẩn mực mà Liên minh Châu Âu (EU) luôn đòi hỏi trong hợp tác với Trung Quốc trong thời gian qua và do Trung Quốc đã không đáp ứng được yêu cầu này.

Những nước lớn như Mỹ, Ấn độ và Nhật Bản lo ngại rằng các dự án để xây dựng trục đường đó cùng và các điều khoản tưởng chừng như dễ dàng trong việc cho vay của Trung Quốc sẽ làm cho các nước tham gia dự án này gặp bất lợi.

Vào ngày 18/10/2017, ông Rex Tillerson, Ngoại trưởng Mỹ tại thời điểm đó đã phát biểu rằng khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương có thể trở thành nạn nhân của “kinh tế kẻ cướp” (predatory economics) của Trung Quốc. Ông nói các hành động của Trung Quốc “làm cho các quốc gia trong khu vực sẽ phải gánh chịu số nợ khổng lồ.” 

Đã 6 năm trôi qua, với một số nước Đông Nam Á đã tham gia dự án này, hiện Lào đang phải gồng mình lên để trả nợ, Thái Lan đang phải mời Nhật Bản tham gia cùng, Malaysia đang đàm phán lại chi phí với Trung Quốc. 

Trong tuần này, lãnh đạo của gần 40 quốc gia trên toàn thế giới sẽ tham dự Diễn đàn cấp cao “Sáng kiến vành đai và con đường” lần thứ hai được tổ chức tại Bắc Kinh. Giới quan sát dự đoán rằng hội nghị lần này sẽ đánh dấu sự chuyển mình sang “giai đoạn hai” của dự án này. 

Vậy Việt Nam có nên tham gia dự án này không? Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), Singapore đã trả lời phỏng vấn của một tờ báo nước ngoài, theo đó ông nhận định rằng nếu Việt Nam tham gia vào dự án này, điều thuận lợi là Việt Nam sẽ có thêm nguồn vốn để phát triển cơ sở hạ tầng, đáp ứng nhu cầu phát triển.

TS. Lê Hồng Hiệp
TS. Lê Hồng Hiệp

Tuy nhiên, ông Hiệp bày tỏ quan ngại rằng các khoản vay từ Trung Quốc không hề đơn giản và dễ dàng, thường đi kèm rất nhiều điều kiện, đơn cử như phải sử dụng các nhà thầu Trung Quốc, mua trang thiết bị từ phía Trung Quốc. Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp Việt Nam. Trước đây đã có dự án mà phía Trung Quốc chiếm đến 90% các hợp đồng xây dựng bao gồm cả thiết kế, mua sắm và xây lắp ở Việt Nam.

Ông nhận xét những dự án với Trung Quốc gây ra nhiều tai tiếng về trễ tiến độ, đội vốn, công nghệ thiết bị không hiện đại, lạc hậu, gây ra chi phí bảo dưỡng lớn. Gần đây nhất, báo chí cũng đề cập nhiều đến dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông. Do vậy, ông Hiệp cho rằng những nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam cũng thận trọng với các khoản vay của Trung Quốc.

Bên cạnh đó cần đề cập đến bối cảnh tranh chấp Biển Đông hiện tại. Khi Việt Nam vay của Trung Quốc, nó sẽ gây ra những ràng buộc, trở ngại khiến Việt Nam không thể mạnh mẽ có phản ứng với Trung Quốc trên Biển Đông nếu xảy ra căng thẳng. Chính vì thế, ông Hiệp nhấn mạnh rằng Việt Nam sẽ phải cân nhắc khi muốn tham gia vào Sáng kiến Vành đai và Con đường này, hay cụ thể là vay vốn từ phía Trung Quốc.

Tiến sỹ Hiệp cho biết, Việt Nam cần phải rất thận trọng với Trung Quốc, khác với Philippines và Malaysia, Biển Đông có tầm quan trọng rất lớn đối với tương lai, đối với chủ quyền của Việt Nam cả về chính trị, kinh tế và địa chiến lược. Việt Nam cần rất cân nhắc và thận trọng trước những khoản vay của Trung Quốc thông qua sáng kiến Vành đai và Con đường này.

Tiến sỹ Hiệp nhận xét rằng dự án đường sắt bờ biển phía đông của Malaysia chẳng hạn, chính quyền của ông Mahathir đã đàm phán lại và đã giảm được khoảng 1/3 tổng chi phí. Điều này cho thấy phía Trung Quốc đã kê giá lên rất cao. Tuy nhiên phía Trung Quốc có đưa ra lý do rằng Trung Quốc đã phải chi trả một số khoản tiền không chính thức cho các quan chức tham nhũng ở Malaysia. 

Ông Hiệp nói, điều này cũng có thể xảy ra với những quốc gia có tình trạng tương tự như ở Việt Nam. Ông cho rằng chỉ có sự minh bạch mới có thể giúp Việt Nam tham gia hiệu quả vào Sáng kiến này để giảm được tình trạng lãng phí trong các dự án, sao cho các khoản vay được đúng giá trị và không tạo ra những gánh nặng nợ nần cho thế hệ tương lai.

Ông lấy trường hợp cảng Hambantota của Srilanka làm ví dụ, đây được xem như một ví dụ điển hình cho thấy rằng Trung Quốc có thể sử dụng các khoản vay này để biến nó thành một “bẫy nợ”, thông qua đó, kiểm soát hoặc gây bất lợi cho chính phủ đi vay nhằm biến các dự án đấy thành tài sản của Trung Quốc, có thể tạo ra một tiền lệ với hệ lụy rất nghiêm trọng đối với các nước đi vay. Ông kết luân, Việt Nam cũng cân nhắc, cần thận trọng để không rơi vào tình cảnh như vậy.