Chính phủ Mỹ hôm 15/9 tuyên bố trừng phạt một công ty thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc vì vai trò của công ty này trong việc gây ra tình trạng “mục ruỗng” ở Campuchia.

Theo thông cáo của Bộ Tài chính Mỹ, tập đoàn Union Development Group bị đưa vào “danh sách đen” do các hoạt động liên quan tới dự án xây dựng sân bay Dara Sakor ở Campuchia, dự án lớn nhất trong Sáng kiến vành đai và con đường của Trung Quốc.

Chính quyền Trump lập luận rằng tập đoàn này của Trung Quốc đã thông qua các quan chức tham nhũng để thâu tóm đất đai của người dân địa phương cho mục đích xây dựng dự án. Một phần của dự án là việc xây dựng sân bay quốc tế có khả năng tiếp nhận những máy bay lớn nhất thế giới và “có thể được sử dụng để lưu trữ các khí tài quân sự (Trung Quốc)”.

Thông cáo cho biết dự án này “đã buộc người Campuchia phải rời bỏ đất đai của họ, làm phá hủy môi trường, ảnh hưởng tới sinh kế của cộng đồng địa phương”.

Trong một thông cáo khác của Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết: “Hành động hôm nay chỉ rõ cách thức Đảng Cộng sản Trung Quốc lợi dụng các công ty để mở rộng ảnh hưởng của họ như thế nào, bao gồm cả việc thông qua các quan chức tham nhũng để sử dụng vũ lực quân sự chống lại những người dân vô tội trong thủ đoạn trắng trợn nhằm thu lợi bất chính”.

Đồng thời, Washington cũng cáo buộc chính phủ Trung Quốc sử dụng các dự án của tập đoàn Union Development để “thúc đẩy tham vọng mở rộng quyền lực toàn cầu”.

Đường băng sân bay Dara Sakor được xây trong khu vực rừng rậm ở Campuchia (ảnh chụp màn hình báo New York Times).

Theo Reuters, Mỹ cũng quan ngại về việc phát ngôn viên chính phủ Campuchia Phay Siphan nói rằng dự án ở Dara Sakor có thể được chuyển thành nơi đặt khí tài quân sự.

“Sự hiện diện quân sự thường trực của Trung Quốc ở Campuchia có thể đe dọa sự ổn định trong khu vực và làm suy yếu triển vọng giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp, cũng như thúc đẩy an toàn và an ninh hàng hải, tự do hàng hải và hàng không”, theo thông cáo của Bộ Tài chính Mỹ.

Dara Sakor là dự án đầu tư trị giá 3,8 tỷ USD và chiếm tới 20% bờ biển của quốc gia Đông Nam Á này. Được kiểm soát bởi một công ty Trung Quốc với thời hạn cho thuê lên tới 99 năm, dự án Dara Sakor chia thành từng giai đoạn, bao gồm xây dựng một sân bay quốc tế, cảng biển nước sâu, khu công nghiệp, khu nghỉ dưỡng với các trạm điện, nhà máy xử lý nước và cơ sở y tế.