Cựu đại úy Lê Thị Hiền cùng 17 bị cáo khác nhận án vì tội “Cướp tài sản” của 4 khách đến quán Magic Lounge (tại quận Đống Đa, Hà Nội).
Thông tin từ báo Lao Động, sau 2 ngày xét xử, nghị án, trưa 24/9, Toà án nhân dân quận Đống Đa, Hà Nội đã công bố bản án với 18 bị cáo trong vụ án “Cướp tài sản”.
Theo đó, toà tuyên phạt Lê Thị Hiền (sinh năm 1983, cựu đại uý, từng công tác tại công an quận Đống Đa) 7 năm tù về tội “Cướp tài sản”. 17 người còn lại bị tuyên phạt từ 3 năm 6 tháng tù đến 8 năm tù giam cùng tội danh trên.
‘Dí bill’ ép khách trả tiền
Theo cáo trạng được báo Zing đăng tải, năm 2019, Hiền cùng Vũ Anh Hoàng (sinh năm 1991, ở Quảng Ninh), Nguyễn Đức Thăng (sinh năm 1992, ở Hà Nội) góp hơn 2 tỷ đồng để mở quán bar Magic Lounge kinh doanh đồ uống, bóng cười.
Hiền được giao quản lý thu chi, đối ngoại và giám sát hoạt động của cơ sở này. Một năm sau, nhóm cổ đông thuê Nguyễn Thị Minh Trang (29 tuổi, ở Hà Nội) lập kế hoạch hoạt động cho quán.
Hiền và cổ đông yêu cầu trong 3 tháng, Trang phải giúp quán đạt doanh thu trên 5 tỷ đồng. Sau khi ký hợp đồng, Trang sử dụng hình thức “dí bill” bằng cách lập nhóm nữ nhân viên booking có nhiệm vụ lên các MXH Tinder hay Badoo để hẹn hò, làm quen nhằm tìm và dẫn dụ khách.
Khi đưa khách đến quán Magic, nữ nhân viên booking chủ động gọi đồ ăn, uống hoặc bóng cười rồi chọn thời cơ để bỏ ra ngoài, còn nạn nhân ở lại thanh toán tiền. Đồng thời, Trang lập thêm nhóm bảo an gồm các nhân viên nam để đe dọa, đánh ép khách trả tiền.
Hiền cùng 2 cổ đông biết việc Minh Trang dùng thủ đoạn “dí bill” để thu tiền của khách nhưng vẫn đồng ý. Họ còn thỏa thuận chi thưởng tối đa 10% cho Trang theo mức doanh thu.
Quá trình hoạt động, Hiền và các bị cáo trích 31 triệu đồng mỗi tháng từ doanh thu để cựu nữ đại úy công an chi đối ngoại, đảm bảo quán không bị xử lý.
Với thủ đoạn trên, trong các tháng 3 và 4/2021, Hiền cùng đồng phạm đã gây ra 4 vụ cướp với tổng số tiền chiếm đoạt là hơn 84 triệu đồng.
Cũng theo báo Lao Động, lý do Hiền đã ra khỏi ngành công an là sau vụ gây náo loạn sân bay Tân Sơn Nhất hơn 3 năm trước.
‘Dí bill’ là gì? Vì sao ‘dí bill’ lại vi phạm pháp luật?
Theo luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết được báo Dân Việt đăng tải, trước khi nói về chiêu “dí bill” phải làm rõ “bill” là gì.
“Bill” thực chất là hóa đơn để thanh toán, là một danh sách có liệt kê danh sách có liệt kê hàng hóa hoặc dịch vụ mà chúng ta đã sử dụng. Cùng với đó là số tiền chúng ta phải trả cho mỗi món hàng hóa và tổng số tiền mà chúng ta phải trả.
Luật sư Hòe cho biết, hiện nay chưa có khái niệm cụ thể về hành vi “dí bill” nhưng có thể hiểu “dí bill” là hành vi ép buộc hoặc đánh đập để ép người khác phải trả tiền cho món hàng hoặc dịch vụ mà người đó không sử dụng…
Hành vi “dí bill” là vi phạm pháp luật vì mục đích của việc này là dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản.
Có thể bạn quan tâm: