Từ Mỹ, hãng thông tấn VOA cho biết: Tính đến sáng ngày 26/4 (giờ Hoa Kỳ), đã có 1.015.405 người ký tên vào thỉnh nguyện thư yêu cầu Tedros Adhanom Ghebreyesus – Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từ chức.

Đơn yêu cầu ông Tedros Adhanom Ghebreyesus từ nhiệm được đăng tải trên nền tảng Change.org (trụ sở Mỹ), trong đó khẳng định đương kim Tổng giám đốc WHO không làm tròn chức phận; dẫn tới sự lây lan virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra đại dịch Covid-19 trên toàn cầu. Những người ký tên vào thỉnh nguyện thư nhất trí rằng, ông Tedros nghe lời Bắc Kinh, dễ dàng tin vào con số người chết và nhiễm bệnh mà chính phủ Trung Quốc cung cấp cho mình mà không điều tra.

Số người ký tên yêu cầu ông Tedros từ chức tăng mạnh trong thời gian gần đây. Tính đến ngày 5/4, có hơn 560.000 ký tên vào đơn thỉnh nguyện này; sau đó 20 ngày, đã có thêm gần nửa triệu người thể hiện quan điểm yêu cầu WHO cần thay người lãnh đạo.

Vẫn theo VOA, mục tiêu tiếp theo của những người vận động là có 1,5 triệu người ký vào thỉnh nguyện thư. Đến nay, ông Tedros vẫn chưa có phản hồi trực tiếp về vụ việc này.

Từ khi bùng dịch viêm phổi Vũ Hán, cách hành xử của ông Tedros và các cộng sự trong bộ máy lãnh đạo WHO khiến nhiều người nghi ngờ tính minh xác và hiệu quả của tổ chức này. Hồi đầu tháng 4, Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Taro Aso diễn đạt mối nghi hoặc của nhiều người bằng cụm từ “họ nghĩ WHO đã đổi tên thành ‘Tổ chức Y tế Trung Quốc’”.

Đương kim TGĐ WHO trong lần gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh (ảnh chụp màn hình asia.nikkei)

Người đứng đầu tổ chức thế giới cũng nhận sự chỉ trích mạnh mẽ từ báo giới. Trong bài viết đăng ngày 23/3/2020 với tiêu đề: “Virus corona: Trung Quốc và tổng giám đốc WHO phải chịu trách nhiệm về đại dịch”, đài RFI của Pháp đưa ra các luận điểm:

“Tedros đã nhắm mắt làm ngơ trước những gì diễn ra tại Vũ Hán và những nơi khác ở Trung Quốc. Sau khi gặp Tập Cận Bình ở Bắc Kinh hồi tháng Giêng, ông tổng giám đốc WHO còn giúp Trung Quốc khỏa lấp sự trầm trọng, mức độ lây lan và tầm cỡ của nạn dịch virus corona chủng mới.

Ngay từ đầu, ông Tedros đã bênh vực Trung Quốc, bất chấp cách xử trí vô cùng tệ hại của Bắc Kinh trước nạn dịch siêu lây nhiễm này. Trong khi số trường hợp tử vong tăng vùn vụt, Tổ chức Y tế Thế giới phải mất nhiều tháng trời mới ra tuyên bố Covid-19 là đại dịch, cho dù các tiêu chí về lây nhiễm từ người sang người, tỉ lệ tử vong cao và đã lây lan khắp thế giới đều đã hội đủ.

Thay vì tập trung vào nỗ lực chống lại đại dịch trên toàn cầu, Tedros lại chính trị hóa cuộc khủng hoảng, và giúp cho Tập Cận Bình trốn tránh trách nhiệm về một loạt những hành động sai trái trong việc giải quyết nạn dịch. Ông tổng giám đốc sử dụng phương tiện của WHO để bênh vực cho các hành động vi phạm nhân quyền trầm trọng của chính quyền Trung Quốc”.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng nhận sự phản ứng trực diện từ nước Mỹ. Hai tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố cắt khoản trợ cấp 400 triệu USD hàng năm cho WHO. Ngay sau đó, hôm 16/4, 17 nhà lập pháp Mỹ trong Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đã viết thư tới Tổng thống Trump, bày tỏ hậu thuẫn quyết định ngưng cung cấp ngân quỹ cho WHO. Những người này cho rằng Hoa Kỳ chỉ nên chi tiền cho tổ chức này với điều kiện ông Tedros từ chức.

Tại cuộc phỏng vấn hôm 23/4, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo nói WHO cần phải cải tổ mạnh mẽ, nếu không “sẽ chẳng bao giờ Hoa Kỳ nối lại các khoản tài trợ cho tổ chức này”.