Cổ nhân có câu “người đang làm, Trời đang nhìn”. Lời thề không thể bỡn cợt vì ‘trên đầu ba thước có Thần linh’. Nếu vi phạm lời thề thì sẽ phải gánh chịu hậu quả.

Một hôm đi làm về, tôi thấy một thanh niên mặt đỏ tía tai thề thốt. Anh ta nói “Thề giám đốc, tôi tuyệt đối không làm như vậy; tôi dám đảm bảo bằng mạng sống của mình”.

Tôi cảm thấy rùng mình. Có chuyện gì lớn tới mức mà anh ta phải đem sinh mệnh của mình để đánh cược. Không biết người thanh niên đó có hiểu hậu quả của lời thề không?

Trong văn hóa truyền thống, lời thề xuất phát từ Tâm. Đó là cam kết không thay đổi. Đó là một lựa chọn, quyết tâm vững chắc, là nền tảng và biểu hiện của đạo đức con người. Người xưa rất thận trọng, nghiêm túc khi phát nguyện bởi thực sự là từ nội tâm. Họ tin rằng không có đức thì không thể đứng vững. Khi một người không có liêm sỉ, Trời sẽ trừng phạt người đó.  

Tấm gương về việc hứa và giữ lời thệ ước

Quan Vũ – Lưu Bị – Trương Phi với lời thề nguyện chết cùng tháng cùng ngày (Ảnh: Báo Mới)

Vào thời Tam Quốc, có 3 người tâm đầu ý hợp là Lưu Bị, Quan Vũ và Trương  Phi. Họ kết nghĩa huynh đệ tại vườn đào với lời thề tuy không sinh cùng ngày cùng tháng; nhưng nguyện chết cùng tháng cùng ngày.

Họ đã đồng tâm hiệp lực, lập nên Thục quốc; một trong ba thế lực tạo thành “thế chân vạc” thời Tam Quốc. Khi Quan Vũ mất, Trương Phi và Lưu Bị cũng lần lượt ra đi.

Vi phạm lời thề, vạn tiễn xuyên tâm

Trong Tùy Đường diễn nghĩa; Tần Quỳnh và La Thành đã thề truyền hết bí kíp La gia thươngTần gia giản cho nhau.

La Thành phát nguyện “Nếu như có nửa điểm giấu giếm thì sẽ chết bởi loạn tiễn!”.

Tần Quỳnh cũng thề: “Nếu như có nửa điểm giấu giếm thì sẽ hộc máu mà chết!”.

Tuy nhiên, trong lúc truyền thụ La Thành giấu tuyệt chiêu “Hồi mã thương”.

Còn Tần Quỳnh, cũng giấu tuyệt kỹ “Tát thủ giản”.

Không lâu sau, La Thành trong khi giao chiến với Tô Định Phương, trúng gian kế; một mình một ngựa bị vùi lấp trong bùn và bị loạn tiễn bắn chết.

Những năm cuối đời, Tần Quỳnh trong lúc tỷ võ đoạt ấn soái với Uất Trì Cung; khi cử đỉnh ngàn cân thì hộc máu mà chết.

Con người ngày nay tùy tiện thốt ra lời thề

Lời thề “Tôi cam kết sẽ thực hiện” không chỉ là câu nói (Ảnh minh hoạ: Unplash)

Ngày nay, rất nhiều người không tin vào sự tồn tại của Thần Phật. Họ cho rằng “trên đầu ba thước có thần linh” là mê tín. Mở miệng nói dối đã thành thói quen; dễ dàng tùy tiện thề hoặc làm trái lời thệ ước. Họ tưởng rằng thề cá trê chui ống; bởi từ nhỏ đã là nghi thức quen thuộc thứ 2 hàng tuần nên cũng chẳng nghĩ nhiều.

Rồi thường nghe 10 lời thề này, thề nọ; nhưng cái đập vào mắt là tham nhũng; vơ vét của cải, tài sản chuyển ra nước ngoài, bao nuôi tình nhân… Kết cục có người lâm trọng bệnh, có người vào chốn lao tù… Tựu chung là thân bại danh liệt, tí tách trong lò.

Sự phá hoại đạo đức có chủ ý làm người ta không còn tin vào lời hứa nữa. Cam kết đã trở thành lời nói gió bay.

Lời thề khi bước vào hôn nhân cần được nghiêm túc nhìn nhận (Ảnh minh hoạ: Unplash)

Biết bao cặp đôi thề thốt chung sống tới bạc đầu răng long. Vì không coi trọng lời thề, rất nhiều tan vỡ. Trong thảm kịch đó, vô số trẻ em đã không được hưởng mái ấm tình thương của cha mẹ.

Hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi thốt nên câu thề

Con người ngày nay tưởng rằng có thể thề thốt tùy ý. Tuy nhiên, cổ nhân có câu “lời nói thì thầm bên tai, Trời nghe như sấm dậy”. Năng lượng không tự nhiên sinh ra và cũng không tự nhiên mất đi… Mọi suy nghĩ hành động đều chịu sự chi phối của Nhân-Quả. Vậy nên ai đã có lời thệ ước, phát lời thề, thì đều được tính sổ. Lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó lọt.

Theo Nguyện Ước