Lãnh đạo ngoại giao Hoa Kỳ ủng hộ ASEAN về Biển Đông và sông Mêkông

Trong thông cáo ngày 11/09/2020 sau cuộc họp với các ngoại trưởng ASEAN qua cầu truyền hình, Bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ, Mike Pompeo nhấn mạnh “cam kết lâu dài của Mỹ với ASEAN” về Biển Đông và sông Mêkông trước thái độ ngày càng hung hăng của Trung Quốc.

Ngoại trưởng Pompeo trực tiếp nhắm vào Trung Quốc qua tuyên bố sát cánh với các nước Đông Nam Á, đôi bên “cùng chia sẻ các nguyên tắc tôn trọng chủ quyền, thượng tôn pháp luật, minh bạch, mở rộng và hội nhập”. Hoa Kỳ ủng hộ ASEAN, lên án các “hành vi ngày càng hung hăng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đe dọa chủ quyền của các nước trong khu vực”.

Liên quan đến khu vực sông Mêkông, ông Pompeo khẳng định “bảo vệ sự minh bạch và tôn trọng chủ quyền” của các nước trong khu vực này, nơi mà ông cho rằng “Đảng Cộng sản Trung Quốc khuyến khích các hoạt động mua bán vũ khí và ma túy bất hợp pháp, đơn phương thao túng các nguồn nước ở thượng nguồn gây hạn hán” cho các quốc gia ở hạ lưu sông Mêkông.

Cũng trong tuyên bố này, ngoại trưởng Mike Pompeo đã bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về số phận của 12 nhà đấu tranh dân chủ Hồng Kông, bị sa lưới an ninh của Hoa Lục trong lúc họ tìm đường sang Đài Loan lưu vong. Washington yêu cầu trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga bảo đảm an ninh cho những người này.

Twitter lại gắn cờ cảnh báo dòng tweet của TT Mỹ Donald Trump

Theo CNN, Twitter một lần nữa gắn nhãn cảnh báo lên một trong những dòng tweet của Tổng thống Donald Trump. Dòng tweet của TT Trump khuyến khích người dân Bắc Carolini bỏ phiếu hai lần, nói rằng cử tri có thể gửi lá phiếu qua thư sớm, đến địa điểm bỏ phiếu để xem nó có được tính hay không và nếu không, hãy bỏ phiếu lại.

Trước đó, TT Trump thường xuyên chỉ trích việc bỏ phiếu qua thư, thường xuyên lặp lại những tuyên bố không có căn cứ rằng bỏ phiếu bằng thư sẽ dẫn đến gian lận cử tri trong cuộc bầu cử năm 2020 – một tuyên bố mà các quan chức tình báo đã bác bỏ.

Twitter gắn cảnh báo vì cho rằng như vậy là vi phạm “Chính sách liêm chính của công dân” của nền tảng truyền thông xã hội vì khuyến khích “mọi người có khả năng bỏ phiếu hai lần”. Thông báo của Twitter ghi rõ “Tweet này đã vi phạm Quy tắc của Twitter về tính liêm chính của công dân và bầu cử“. Tuy nhiên, Twitter nói rằng rằng việc Tweet vẫn có thể truy cập được là vì lợi ích của công chúng.”

Hiện tại, người dùng Twitter vẫn có thể xem tweet hôm thứ Bảy của TT Trump, nhưng không được tweet lại hoặc nhấn vào ô ‘thích’.

Trên trang an toàn của Twitter, phương tiện truyền thông xã hội đã giải thích hành động của mình, nói rằng “chúng tôi đã sai lầm ở khía cạnh hạn chế việc lưu hành các Tweet khuyên mọi người thực hiện các hành động có thể là bất hợp pháp trong bối cảnh bỏ phiếu hoặc dẫn đến việc phiếu bầu của họ bị vô hiệu. “

Covid-19: Thủ tướng Pháp báo động tình hình đang “xấu đi rõ rệt”

Hôm qua, 12/09, cơ quan y tế Pháp đã báo cáo 10.561 trường hợp COVID-19 mới được xác nhận trong 24 giờ qua, lập kỷ lục mới với con số lần đầu tiên đứng đầu 10.000. Kỷ lục trước đó là 9.843 ca nhiễm mới được công bố vào thứ năm tuần này. Trong hai ngày liên tiếp, Pháp phát hiện thêm 106 ổ dịch mới.

Theo Reuters, sau cuộc họp Hội Đồng Quốc Phòng trưa 12/09 do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ trì, thủ tướng Pháp Jean Castex vào cuối giờ chiều thông báo các biện pháp chính là: Tăng cường các phương tiện xét nghiệm, tuyển dụng thêm nhân sự nhằm tăng cường các biện pháp theo dõi, rà soát những ca nhiễm, đồng thời rút ngắn thời gian bị cách ly đang từ 14 ngày xuống còn 7 ngày.

Trước mắt, chính phủ loại trừ kịch bản lại ban hành các biện pháp phong tỏa trên toàn quốc nhưng không loại trừ khả năng siết chặt thêm các điều kiện bảo đảm an ninh y tế trong vài tuần lễ nữa nếu tình hình tiếp tục xấu đi. Các biện pháp có thể được áp dụng là bắt buộc các cửa hàng, quán ăn, quán cà phê… phải đóng cửa. Tuy nhiên thủ tướng Castex cũng trấn an công chúng rằng chính phủ đang cố gắng phản ứng kịp thời ngăn ngừa dịch nhưng sẽ không phản ứng quá mạnh tay làm phương hại đến lĩnh vực kinh tế.

Hỏa hoạn tại Mỹ khiến cả chục người chết và nửa triệu người tản cư

Theo các cơ quan truyền thông quốc tế, đến ngày 12/09/2020, hỏa hoạn vẫn tiếp tục hoành hành tại miền Tây nước Mỹ. Ước tính đã có 15 người thiệt mạng, 2 triệu ha rừng bị thiêu rụi, hơn 28.000 lính cứu hỏa được huy động tại 12 tiểu bang. Hai bang California và Oregon bị thiệt hại nặng nề nhất.

Bang Oregon đang hứng chịu một trận hỏa hoạn kinh khủng nhất trong lịch sử của mình, hàng dãy nhà bị xóa sạch trên bản đồ. Thế nhưng, tình hình còn thê thảm hơn nữa ở phía nam, tại bang California, nơi mà gần một triệu rưỡi ha đã bị thiêu rụi.

Đứng trong khu rừng đã biến thành tro, thống đốc Califorrnia Gavin Newson, vẻ phẫn nộ, đã lên tiếng ủng hộ việc chống tình trạng khí hậu bị hâm nóng: “Đây đúng là một trường hợp khẩn cấp về khí hậu. Không cần tranh luận gì nữa về khí hậu hâm nóng. Tình trạng California là kết tinh của những gì sẽ xẩy ra trên cả nước, những gì đang xẩy ra ở đây sẽ diễn ra ở những nơi khác nếu không dứt khoát hành động”.