Những bài tập làm văn của học sinh phần nhiều thể hiện sự ngây thơ, trong sáng, song cũng có nhiều bài văn tả cha mẹ thể hiện nội tâm, cảm xúc của các em khiến người đọc xúc động.

Trong dịp Trung Thu này, chúng ta cùng điểm lại 3 bài văn tả cha mẹ của các học sinh từng lan tỏa, gây hiệu ứng tích cực trên mạng xã hội.

Hồi tháng 8/2017, một bài văn tả mẹ của học sinh lớp 6 khiến cho người đọc nghẹn ngào. Bài văn được điểm 10 trọn vẹn kèm với lời nhận xét của thầy giáo: “Thầy đã khóc khi đọc xong dòng đầu tiên”.

Ảnh chụp màn hình trên báo EVA

Với đề bài thầy đưa ra “Hãy viết một bài văn về mẹ của em”, học sinh này ngậm ngùi.

“Em xin lỗi ! Em chỉ là đứa trẻ mồ côi.

Em sinh ra không được may mắn như bạn bè cùng trang lứa. Vì sinh ra em, mẹ em đã ra đi trong sự dày vò của căn bệnh ung thư hiểm ác. Em chỉ thấy mẹ qua giấc mơ, lời bố kể và bức ảnh đen trắng được đặt trên bàn thờ.

Trong trái tim em, mẹ luôn là người phụ nữ đẹp nhất thế gian, mặc dù chỉ qua tưởng tượng”.

Bài viết chỉ vài dòng ngắn ngủi nhưng đã lay động đến tâm khảm nhiều người. Đọc bài văn trên, một độc giả ký tên H.Dương chia sẻ: “Hôm nay là tháng Vu Lan báo hiếu. Nhìn thấy những bạn trẻ có người cài bông hồng trắng trên áo làm lòng tôi se lại. Nhìn lại thấy cha mẹ vẫn còn đây, vẫn khỏe mạnh mà tôi tự thấy mình còn may mắn hơn nhiều người.

Bài văn tả mẹ nhưng lại ra bố của bé lớp 5

Tác giả bài văn gây xúc động là Phạm Gia Huy, học sinh lớp 5A5, trường tiểu học Lê Quý Đôn, Nam Từ Liêm, con trai của anh Phạm Gia Trí (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Anh Trí chia sẻ, đúng ngày sinh nhật của anh vào tháng 8 năm ngoái, con trai Gia Huy đã tặng cho bố món quà là bài văn tả mẹ này. “Tôi đã cố không bật khóc khi đọc bài văn con viết”, anh Trí kể lại

Món quà đó, anh đã chụp hình lại và lưu giữ lại làm kỷ niệm về những tháng ngày “gà trống nuôi con” đầy vất vả nhưng cũng đầy hạnh phúc.

Ảnh chụp màn hình trên báo EVA

Nội dung bài văn của bé Gia Huy tặng bố như sau:

“Em là học sinh lớp 5, rất khỏe mạnh và hiểu biết rất nhiều điều. Ngoài việc em nỗ lực học tập, còn nhờ công chăm sóc rất chu đáo của, sự dạy dỗ của mẹ em.

Năm nay mẹ em đã bốn mươi mốt tuổi. Nhan sắc của mẹ không đẹp, nước da rám nắng. Đôi mắt mẹ đen láy, thể hiện sự thông minh của mẹ. Mái tóc của mẹ đen như gỗ mun, được cắt ngắn rất gọn gàng. Dáng người mẹ tầm thước. Mẹ hiện đang làm việc ở Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam.

Mẹ không giỏi nấu nướng, làm việc nhà, chăm em bé nhưng vì thương con, mẹ đã học hỏi và vượt qua những khó khăn đó. Năm ấy, em gái em mới hai tuổi, rất hay ốm đau. Nhiều đêm mẹ phải thức trắng để trông em. Mẹ là trụ cột gia đình, nên ngoài việc làm ở nhà xuất bản, mẹ còn phải làm rất nhiều công việc khác. Nhiều đêm, mẹ phải thức đến hai, ba giờ sang để làm việc. Thương mẹ em nghỉ các lớp học thêm và hứa với mẹ tự học và học giỏi để giảm bớt gánh nặng kinh tế cho mẹ.

Tuy bận nhiều công việc nhưng mẹ luôn quan tâm đến việc học của em, nhắc nhở em làm bài đầy đủ. Những ngày khai giảng hoặc ngày hội của trường, mẹ đều có mặt. Mẹ còn chụp ảnh cho em để làm kỷ niệm. Trong cuộc sống hàng ngày, mẹ rèn em cách ăn nói, cử xử với ông bà, cô dì, chú bác, các anh chị và bạn bè. Vào ngày chủ nhật, mẹ đưa chúng em đi ăn sáng, đi chơi. Vào dịp nghỉ hè, mẹ cho chúng em đi nghỉ mát, về quê nội, quê ngoại. Mẹ rất thương em gái em nên sáng nào mẹ cũng dậy sớm, cho em ăn và đưa em đi học.

Đêm đến, mẹ ôm hai anh em, ba mẹ con cùng hát ru bài “Bé ơi, ngủ ngoan”.

Chẳng mấy chốc ba mẹ con đã chìm vào giấc ngủ.

“Dù con đếm được cát sông

Cũng không đếm được tấm lòng mẹ cha”.

Qua hai câu thơ trên, em luôn ghi lòng tạc dạ tình yêu của mẹ đối với em. Nhưng người mẹ em kể trên không phải là mẹ em mà là bố em.

Ngày mẹ em rời bỏ em, em thấy đất trời như sụp đổ, em là người bất hạnh nhất. Lúc đó em mới học lớp hai, em gái em hai tuổi. Bố em là người vĩ đại nhất. Bố đã yêu thương, che chở cho em vượt qua những ngày giông bão ấy. Bố vừa là bố vừa là mẹ. Bố có sự dịu dàng chu đáo của mẹ lại có tính nghiêm khắc, bao dung của bố.

Những ngày đau khổ đã qua. Năm nay em học lớp 5, em gái em đã vào lớp 1. Bình minh đã trở về với bố con em, em đã thấy bố cười rất tươi.

Bố ơi, con yêu bố! Ngày 18 tháng 8 là ngày sinh nhật bố. Con chúc bố mạnh khỏe, vui vẻ, hạnh phúc bên chúng con!”.

Chia sẻ với báo EVA, ông bố “gà trống nuôi con” đầy tự hào khoe về cậu bé Gia Huy: “Con là một cậu bé tư duy người lớn, cẩn thận, chỉn chu. Con viết văn khá hay và tất cả những bài văn đó tôi đều chụp lại và thỉnh thoảng lôi ra đọc”.

Cũng theo chia sẻ anh Trí, món quà của cậu con trai cũng là lần thứ 2 khiến anh phải khóc trong suốt 3 năm qua vất vả một mình nuôi con. Lần đầu là bé Gia Linh, em gái Gia Huy bị ốm và co giật lúc hơn 3 tuổi. Anh đã ôm con chạy cuống cuồng, “chưa bao giờ chạy nhanh như thế” vào viện Nhi. Anh đã khóc vì lo cho con. Và khoảng thời gian đó anh Trí không dám ngủ mỗi đêm. Anh luôn thức trông 2 con ngủ.

Cuộc sống của anh cực kỳ vất vả khi vừa làm bố vừa làm mẹ. Sáng 5h30 anh dậy chuẩn bị bữa sáng rồi 6h30 đưa Gia Huy ra xe của trường đón. Sau đó anh vào lo cho Gia Linh ăn, buộc tóc và đưa con đến trường.

Bài văn tả bố của học sinh lớp 7 khiến cô giáo cũng rưng rưng chấm 9,5

Ảnh chụp màn hình trên báo Soha

Theo Helino sau khi đọc bài văn dài 2 mặt giấy của học sinh, cô giáo bộ môn cũng nghẹn ngào cho 9,5 điểm và kèm lời nhận xét: “Bài viết biểu lộ những cảm xúc rất chân thành, em nên để bố đọc bài viết này như một lời cảm ơn cũng như bộc bạch những cảm xúc chân thành với bố”.

Được biết, đây là bài văn viết bởi một học sinh lớp 7 trường Tiểu học và THCS Everest (Hà Nội). Chị Đào Thị Hồng Thuận, mẹ của tác giả bài văn 9,5 điểm chia sẻ với báo Infonet.vn, khi đọc bài văn tả bố của con gái, vợ chồng chị thực sự rất xúc động.

“Bình thường con bé là người khá tình cảm, học cũng chăm chỉ nhưng vợ chồng tôi không nghĩ con lại sâu sắc và viết một bài văn chân thực đến thế. Mọi câu chữ tả bố như mọi người nhận xét vô cùng chân thực đúng tính cách chồng tôi đã được con uyển chuyển đưa vào bài văn tả bố.

Nói thật, đọc bài viết của con, vợ chồng tôi vỡ òa trong hạnh phúc, chẳng mong gì hơn, chỉ mong con cứ khỏe mạnh và lớn lên với những gì bình dị và tươi đẹp nhất, chúng tôi luôn bên con” – chị Thuận cho biết.

Nguyên văn bài văn tả bố gây xúc động của học sinh lớp 7:

“Bố là tất cả! Bố ơi Bố ơi!” – Câu hát hồn nhiên, đáng yêu này có thể lay động trái tim của bất cứ một ai được bố che chở, chăm bẵm từ nhỏ. Em cũng không phải là ngoại lệ. Đối với em, bố như là một thế giới thu nhỏ, thế giới ngập tràn tình yêu thương, một thế giới màu hồng ấm áp.

Bố em là người đàn ông 40 tuổi với chiều cao khiêm tốn một mét sáu mươi lăm. Tuy chỉ cao có vậy nhưng bóng lưng bố đối với em lại cao lớn và vững chãi đến mức có thể che chắn cho em bất cứ khó khăn nào trong cuộc sống.

Gương mặt bố em hiện rõ các nếp nhăn ở đuôi mắt và các vết nám trên mặt vì bố hay phải đi ngoài đường bụi bặm nhiều. Thế nhưng bố lại nhường áo chống nắng và khẩu trang cho em dùng với lí do là “Bố đàn ông cần gì quan tâm nhiều mấy cái đấy, mày con gái giữ da cho đẹp mai sau còn đi lấy chồng”.

Tuy mặt nhiều nếp nhăn nhưng gương mặt bố vẫn toát ra một thần thái nào đó khiến người đối diện rất có thiện cảm. Em thừa hưởng đôi chân và bàn tay to của bố. Tuy mẹ em hay đùa rằng “nét xấu của bố con hưởng hết rồi” nhưng không hiểu vì sao em lại thương đôi tay đôi chân chai sạn của bố vô cùng. Chính đôi bàn tay ấy dìu dắt và đôi bàn chân bước đi cùng em qua những dấu mốc, những gian nan của cuộc đời, làm sao em không thương được cơ chứ?

Ngày trước có lần bà nội kể với em rằng, đêm trước ngày em đẻ bố mẹ đã bắt taxi đến bệnh viện nhưng đến giữa đường thì xe bị thủng lốp thế là bố sốt sắng bắt xe ôm đưa mẹ em đến bệnh viện, còn bố thì đi mua hoa chờ ngoài cổng viện.

Mẹ em đẻ khó đi từ 2h sáng mà 12h trưa mới đẻ xong, khi bố được gặp em và mẹ, mọi cảm xúc của bố như vỡ òa, bố thút thít như đứa trẻ nhỏ khi được bế em trên tay.

Em từ nhỏ đã nhẹ cân và hay ốm đau, bố không ngại đưa hai mẹ con vào viện lúc đêm khuya khi em khó thở, sốt cao; bố không ngại chạy ra hàng thuốc cách nhà một quãng xa để mua thuốc cho em; bố không ngại đội mũ quàng chăn để dỗ em ăn mỗi khi em quấy khóc…

Khi em bắt đầu đi học, tuy nhà cách trường khá xa nhưng bố không ngại nắng mưa sáng đưa chiều đón em từ trường về nhà, hỏi thăm em và mua cho em những cây xúc xích nóng hổi như một phần thưởng vì đã chăm chỉ học tập!

Nhớ hồi lớp bốn có một lần em đi chơi với bạn mà quên nói với ông bà, thế là mọi người tìm em khắp khu phố, bố em đã phóng xe từ công ty về nhà khi biết tin. Khi em về bố và mọi người đã mắng em rất lâu nhưng em biết rằng mọi người làm vậy chỉ vì sợ em bị bắt cóc thôi. Lần đó em đã rất hối hận và tự hứa với bản thân mình sẽ không khiến bố và mọi người phải lo lắng cho mình nữa

Khi lớn lên chúng ta sẽ lao vào vòng xoáy của công việc nơi chúng ta đặt tiền và chức danh lên đầu mà quên mất rằng ở mái nhà nhỏ kia luôn có một người đàn ông với bóng hình to lớn luôn đợi chúng ta đi về ăn cơm nhà, luôn đợi chúng ta nói những lời yêu thương, luôn đợi để ôm chúng ta vào lòng

Bố à! Con của hiện tại không thể hiểu được nỗi lòng của bố, không hiểu được những khó khăn bố phải gánh trên vai nhưng con hứa mai sau con sẽ là người chăm sóc bố, thay bố gánh hết tất cả, con chỉ cần bố hạnh phúc thôi, con yêu bố nhiều!

Bài văn tả bố sau khi chia sẻ đã nhận được nhiều sự yêu thích của dân mạng. Mọi người hết lời khen ngợi bài văn không chỉ vì cảm xúc chân thành của em học sinh, mà còn vì cách diễn đạt trôi chảy, chân thật.

“Em viết văn hay lắm, ai cũng có một người bố vĩ đại, chỉ là chúng ta đang dần quên đi những điều tốt đẹp nhất bố mẹ đã dành cho mình, đi làm xa nghĩ về bố mẹ ở nhà ngóng chờ con gái về chơi, nhìn dáng vẻ bố gầy gò đen xạm tôi thấy thương bố nhiều hơn, cảm ơn em với những dòng suy nghĩ chân thực giúp tôi thấy mình cần quan tâm đến bố mẹ hơn khi trưởng thành”, một bạn đọc cho biết

“Đọc đến đoạn cuối mình đã khóc, nó đúng với mình hiện tại quá. 28 tuổi mà mình còn chưa nghĩ được như em. Bài văn em viết dành cho bố cũng là lời nói của biết bao người con muốn gửi tặng cho bố của mình. Dù bên ngoài có ra sao thì bố vẫn là người luôn đợi chúng ta về…” bạn đọc khác bình luận.