Cách đây hơn 30 năm, hàng trăm ngàn sinh viên Trung Quốc đã xuống đường kêu gọi tự do dân chủ và giải quyết vấn nạn tham nhũng. Họ không ngờ rằng ĐCSTQ sẽ đáp trả họ bằng một cuộc tàn sát đẫm máu bằng quân đội, súng ống và xe tăng. Thảm kịch bắt đầu vào khoảng 11 giờ đêm ngày 3/6/1989, khi chiếc xe tải bọc thép đầu tiên xuất hiện tại Quảng trường Thiên An Môn. Khoảng 1h30 sáng hôm sau, tiếng súng đã nổ ra và vang lên suốt đêm…

Đó là một đêm hỗn loạn ở Quảng trường Thiên An Môn: đạn bắn khắp nơi, lớp lớp người ngã xuống, trong khi những người biểu tình hoảng loạn xếp chồng chất những người bị thương lên xe đạp, xe buýt và xe cứu thương để chở họ đi. Ước tính, có hàng ngàn người biểu tình ủng hộ tự do dân chủ đã chết dưới nòng súng và xe tăng của quân đội.

Ngày nay, không còn mấy người Trung Quốc biết đến, hoặc “có biết cũng không dám đề cập” đến vụ Thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6/1989, hay còn gọi là sự kiện Lục Tứ. Nhưng thế giới vẫn ghi nhớ sự kiện này như một trong những vụ việc chấn động và bi thương nhất thế kỷ 20.

“Đêm định mệnh” tại Thiên An Môn

Bà Lily Zhang, y tá trưởng tại một bệnh viện ở Bắc Kinh cách quảng trường Thiên An Môn khoảng 15 phút đi bộ, cho biết đêm hôm đó bà đã giật mình tỉnh dậy vì tiếng súng nổ. Một y tá khác khóc nức nở nói với bà rằng, máu của những người biểu tình đã “chảy thành sông tại bệnh viện”.

Y tá Zhang đã rất kinh hoàng khi đến bệnh viện vào sáng hôm sau và chứng kiến một cảnh tượng giống như “ở chiến trường”.

Một cư dân mạng chia sẻ bức ảnh về sự kiện Thiên An Môn 1989, kèm lời ghi chú “các sinh viên Trung Quốc đã bị nghiền nát. Vụ việc này đã bị Trung Quốc tẩy trắng” (ảnh chụp màn hình Twitter).

Sau khi cuộc đàn áp bắt đầu, xe cứu thương từ tất cả 30 bệnh viện thành phố đã được huy động. Các sinh viên bị chấn thương được lấp đầy giường bệnh, một số thậm chí phải chia sẻ giường bệnh với người khác. Máu của họ nhuộm đỏ sàn nhà, hành lang và cầu thang. Tại bệnh viện của bà Zhang, có ít nhất 18 người đã chết khi họ được đưa đến nơi.

Tại cổng bệnh viện, một phóng viên bị thương nặng của tờ China Sports Daily trực thuộc ĐCSTQ nói với 2 nhân viên y tế đang dìu ông rằng, ông “không thể ngờ ĐCSTQ sẽ thực sự nổ súng”.

“Bắn hạ những sinh viên và thường dân không vũ trang, đây là loại đảng cầm quyền nào?” là những lời cuối cùng mà người phóng viên đó lưu lại cho thế giới, y tá Zhang nhớ lại.

Một nhà báo của tạp chí tin tức quốc gia Beijing Review lúc bấy giờ là ông Lou đã đứng ở một con phố gần đó, quan sát điều mà ông gọi là “đêm định mệnh” và bổ sung thêm rằng “đó là khởi đầu cho sự suy đồi đạo đức của [chính quyền] Trung Quốc”.

Ông Zhou Fengsuo, một nhà lãnh đạo sinh viên trong các cuộc biểu tình, đã đếm được 40 xác chết vào sáng sớm ngày 4/6 khi ông đi bộ từ Quảng trường Thiên An Môn đến Đại học Thanh Hoa, nơi ông đang theo học thời điểm đó.

“Tôi cảm thấy khi chính quyền [ĐCSTQ] dùng đến bạo lực để chống lại người dân, họ đã đánh mất nền tảng đạo đức”, ông Zhou nói với tờ The Epoch Times.

Trong khi đó, một cựu chiến binh giấu tên tiết lộ chỉ thị kinh hoàng mà quân đội nhận được vào tối ngày 3/6/1989: Hãy nghiền nát các sinh viên bằng xe bọc thép; đối với những ai chặn xe bọc thép sẽ bị kéo thẳng vào trong xe ‘cắt cổ’ (cắt đứt động mạch chủ bằng dao) sau đó ném ra ngoài.

Một người sống sót tên Fang Zheng, khi ấy là một sinh viên, nói rằng ông đã bị nghiền nát đôi chân bởi đường ray xe tăng khi đang cố gắng cứu một nữ sinh năm nhất vào sáng ngày 4/6.

“Sau đó tôi biết rằng 11 người đã bị xe tăng đè chết ở khu vực này… Vẫn còn nhiều người chết hoặc mất tích, sống không thấy người, chết không thấy xác. Vì vậy, sự thật này vĩnh viễn không thể phơi bày hết cho thế nhân”. 

Báo chí nước ngoài đăng bức ảnh Phương Chính bị xe tăng nghiền nát hai chân vào ngày 4/6/1989 (ảnh: Alchetron).

Con số thương vong

Chính quyền Trung Quốc nhanh chóng tố cáo những người biểu tình là những kẻ bạo loạn, và ban đầu tuyên bố rằng “không ai bị bắn chết trong khi dọn dẹp Quảng trường Thiên An Môn”. Khi thấy rằng lời nói dối quá vô lý, Bắc Kinh tuyên bố khoảng vài trăm người chết, trong đó chủ yếu là các binh sĩ bị “những kẻ phản cách mạng” giết hại.

Tuy nhiên, các nguồn tài liệu khác ước tính số sinh viên, trí thức và dân thường bị quân đội giết hại lên tới hàng ngàn người. Một bức điện tín bí mật của các nhà ngoại giao Anh cho biết ít nhất 10.000 người đã bị giết trong cuộc đàn áp Thiên An Môn. Các nhà báo nước ngoài và những nhân chứng thì ước tính có ít nhất 3.000 người tử vong. 

Y tá Zang kể lại rằng một cuộc họp đã được triệu tập tại bệnh viện của bà, yêu cầu tất cả mọi người “phải giữ vững lập trường” bằng cách khẳng định rằng không có ca tử vong nào. Tuy nhiên, các nhân viên bệnh viện đều thống nhất không tham dự cuộc họp này.

”Chúng tôi đều nghĩ rằng liệu ai có thể thốt ra những lời đi ngược lại lương tâm của mình như vậy?”, bà nói.

Hàng trăm ngàn người Trung Quốc tập trung tại Quảng trường Thiên An Môn xung quanh một bản sao 10 mét của Tượng Nữ thần Tự do (giữa), được gọi là Nữ thần Dân chủ, vào ngày 2/6/1989 (ảnh chụp màn hình AFP).

ĐCSTQ khi đó đã nhanh chóng bắt giữ rất nhiều người biểu tình và người ủng hộ, trấn áp các cuộc biểu tình khác ở Trung Quốc, đồng thời trục xuất các nhà báo nước ngoài và kiểm soát chặt chẽ thông tin trên báo chí trong nước. Cảnh sát và lực lượng an ninh tăng cường hoạt động. Các viên chức bị coi là đồng cảm với các cuộc biểu tình bị giáng chức hoặc bị bắt.

Sau một thời gian tuyên truyền vu khống những người biểu tình là “phản động”, ĐCSTQ biến phong trào Thiên An Môn trở thành một chủ đề bị cấm kị.

Lễ tưởng niệm các nạn nhân trong thảm kịch Thiên An Môn

Các nhân chứng cho biết, cuộc đàn áp dã man này chính là lời nhắc nhở về sự tàn bạo của ĐCSTQ. Hôm nay, điều đó tiếp tục được chứng minh bằng việc chính quyền Trung Quốc đã che giấu sự bùng phát của dịch viêm phổi Vũ Hán, khiến toàn thế giới phải chịu tổn thất nặng nề.

“Một chế độ chuyên chế sẽ gây tổn hại cho tất cả mọi người”, ông Zhou nói.

Ông Kenneth Lam, người đã tới Bắc Kinh để tham gia các cuộc biểu tình vào tháng 5/1989 và ở lại cho đến ngày 4/6. Những người biểu tình tại Bắc Kinh đã yêu cầu ông “cố gắng sống để trở về và nói điều này cho thế giới biết”.

Khi trở thành luật sư tình nguyện cho người biểu tình ở Hong Kong vào năm ngoái, ông Lam nhận thấy những điểm tương đồng về sự sẵn sàng hy sinh của những người biểu tình trong cả hai phong trào cho lợi ích lớn hơn, cao cả hơn.

Tại Quảng trường Thiên An Môn, hàng trăm người tham gia tuyệt thực, trong khi ở Hong Kong, những người biểu tình trẻ tuổi xuống đường để bảo vệ quyền tự chủ và tự do của thành phố, mặc cho sự an toàn và tương lai của họ ở lằn ranh sinh tử, ông Lam cho biết và nói thêm rằng, đây là bằng chứng cho thấy vẫn luôn có một điều gì đó bên trong con người, mạnh mẽ hơn mọi quyền lực và bền bỉ hơn bất kỳ sự đàn áp nào.

“Sự cai trị độc tài không bao giờ có thể đè bẹp ‘mặt sáng’ của bản chất con người”, ông nói.

180.000 người tham gia một cuộc thắp nến được tổ chức bởi Liên minh Hong Kong ủng hộ Phong trào Dân chủ Yêu nước của Trung Quốc, tại Hong Kong ngày 4/6/2019 (ảnh: etan liam/Flickr).

Đã 32 năm trôi qua kể từ ngày lịch sử đó, Trung Quốc vẫn không thừa nhận cũng như chưa từng xin lỗi về vụ thảm sát đẫm máu tại Quảng trường Thiên An Môn. Bắc Kinh cũng tiếp tục đàn áp lễ tưởng niệm các nạn nhân của vụ thảm sát này tại Hong Kong.

Đây là lễ tưởng niệm đầu tiên kể từ khi Trung Quốc áp đặt Luật an ninh quốc gia đối với Hong Kong vào ngày 30/6 năm ngoái. 

Đây cũng là năm thứ hai lễ thắp nến tưởng niệm bị cấm kể từ khi Hong Kong được trao trả cho Trung Quốc. Chính quyền viện dẫn lý do cho lệnh cấm là để ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm phổi Vũ Hán, nhưng các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ coi đây là một nỗ lực nhằm dẹp tan cuộc biểu tình ôn hòa của người dân Hong Kong trước sự siết chặt của ĐCSTQ đối với nền tự do của đặc khu này.