5 cơ sở y tế từ chối cấp cứu, bệnh nhân về phòng trọ uất ức ra đi
Một người đàn ông quê Trà Vinh đã qua đời tại phòng trọ ở Bình Dương sau khi bị 5 cơ sở y tế từ chối cấp cứu. Gia đình và người dân trong xóm trọ cảm thấy ông ra đi quá oan uổng.
Cả 5 cơ sở đều nói rằng họ không có bác sĩ để cấp cứu; vì toàn bộ lực lượng đang tập trung cho việc chống dịch COVID-19.
Báo Pháp Luật TP.HCM đưa tin, tối ngày 14/8, gia đình đã tổ chức mai táng cho ông ND (57 tuổi, tạm trú tại phường Tân Đông Hiệp, thành phố Dĩ An, Bình Dương).
Đứng bên linh cữu cha, chị Ngô Phượng khóc nức nở: “Mẹ em mất vì ung thư cách đây 10 năm rồi, cha là người thân duy nhất của em… giờ em không còn ai nữa”.
Chị Phượng nói: “Nếu như bệnh viện cấp cứu cho cha em, thì chắc cha em không chết oan uổng thế này”.
Chị Phượng và những người trong xóm trọ rất bức xúc vì thấy ông D ra đi quá oan uổng. Cả 5 bệnh viện đều từ chối cấp cứu cho ông, dù thấy ông đang hấp hối.
Chị Phượng kể lại: Khoảng 20h tối 13/8, ông D bị nôn ói dữ dội. Gia đình gọi xe cấp cứu nhưng không được. Tình thế cấp bách, hàng xóm đã dùng xe tải để đưa ông đi cấp cứu.
Anh Nguyễn Văn Cường, chủ nhà trọ nơi hai cha con chị Phượng lưu trú, cho biết: “Lúc đó, tôi gọi cấp cứu để đưa ông D. nhưng không thấy ai bắt máy. Không chờ được nữa, tôi nhờ anh bạn dùng xe tải để chở ông ấy đi bệnh viện”.
5 cơ sở y tế từ chối cấp cứu cho ông D
Cơ sở đầu tiên là Trung tâm y tế TP Dĩ An. Trung tâm này từ chối cấp cứu cho ông D vì nói rằng họ đang điều trị bệnh nhân COVID-19.
Anh Cường và mọi người đưa ông D đến bệnh viện đa khoa Ngọc Hồng. Bệnh viện này xét nghiệm nhanh COVID-19 cho hai cha con ông D, thu 700 nghìn; nhưng sau đó từ chối tiếp nhận.
Chị Phượng kể lại: “Test xong COVID-19, thấy họ đưa cha em vào, em mừng quá trời. Ai ngờ đâu vào trong một bác sĩ hỏi cha em có tiền sử bị gì không. Em có trình bày là cha em bị cao huyết áp, cách đây 2 năm từng bị đột quỵ. Thế là bác sĩ không nhận nữa. Bảo là không đủ trang thiết bị và không có bác sĩ”.
Chị cho biết thêm: “Lúc này cha em ngất lịm, không biết gì hết nữa rồi”.
Sau đó, người nhà đưa ông đến bệnh viện Quân đoàn 4; Bệnh viện đa khoa An Phú; và cuối cùng là Phòng khám đa khoa tư nhân Nam Anh. Tất cả các cơ sở này đều không nhận với lý do các bác sĩ đi chống dịch COVID-19 và không đủ trang thiết bị để cấp cứu.
Phó mặc cho số phận
Đến khoảng gần 1 giờ sáng ngày 14/8, vẫn không có cơ sở nơi chịu cấp cứu cho ông D. Mọi người đành đưa ông D về phòng trọ, phó mặc cho số phận. Đến khoảng 4 giờ sáng ông D đã trút hơi thở cuối cùng.
Anh Cường chưa hết bức xúc: “Thấy người hấp hối trước mắt mà không bệnh viện nào chịu nhận, tôi không biết phải nói như thế nào nữa, y đức để ở đâu. Nếu như bệnh viện chịu nhận và cấp cứu thì ông D. đâu có chết như vậy”.
Anh nói thêm: “Lúc đó con bé khóc hết nước mắt, cầu xin năn nỉ mà bất lực. Anh bạn tôi bực quá quát lên rằng có cái bệnh viện để làm gì”.
Cư dân mạng bức xúc
Nhiều độc giả báo Pháp Luật đã bày tỏ bất bình về việc 5 cơ sở y tế đều không cấp cứu cho ông D. Riêng Bệnh viện Ngọc Hồng gây bức xúc hơn nữa vì đã thu 700 nghìn của bệnh nhân nhưng sau đó từ chối tiếp nhận.
Nguyen Dung bình luận: “Xét nghiệm nhanh 700k, rồi không cấp cứu để người ta chết”
Người khác cho rằng: “Lương y như từ mẫu. Sinh ra bệnh viện làm gì… Để ép người ta xét nghiệm để lấy 700k rồi không cứu à”.
Thu Giang cho rằng: “Bác sĩ gì vậy trời, sao nỡ từ chối bệnh nhân cấp cứu, máy bác sĩ đó là người máy hả trời”.
“Cần xử lý nghiêm các bệnh viện nêu trên. Âu cũng một kiếp người.”
Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, bệnh viện Ngọc Hồng nói rằng diễn biến của ông D nặng, họ không đủ điều kiện cấp cứu nên đề nghị gia đình bệnh nhân lên tuyến trên.