Trung Quốc cảnh báo Đài Loan ‘chớ đùa với lửa’ ở Biển Đông
Trung Quốc đã phản ứng gay gắt sau khi có thông tin cho rằng Đài Loan có kế hoạch mở rộng đường băng trên đảo Ba Đình ở Biển Đông.
Đảo Ba Đình là một hòn đảo tự nhiên lớn nhất ở quần đảo Trường Sa. Việt Nam, Đài Loan, Philippines, Trung Quốc là 4 bên có tranh chấp chủ quyền đối với đảo Ba Đình. Hiện tại, Đài Loan đang kiểm soát hòn đảo này trên thực tế.
Tuần trước, giới truyền thông Đài Loan đưa tin quân đội Đài Loan đang có kế hoạch kéo dài đường băng dài hiện tại trên đảo Ba Đình. Cụ thể, đường băng dài 1.150 mét sẽ được nới thêm 350 mét. Với việc mở rộng này, đường băng có thể tiếp nhận các máy bay chiến đấu F-16 và Máy bay chống ngầm P-3C.
Các quan chức Đài Loan vẫn chưa xác nhận kế hoạch này. Nhưng các bức ảnh vệ tinh gần đây cho thấy một số thay đổi trên mặt đất ở mũi phía tây của đảo Ba Đình, nằm ở phía tây bắc của quần đảo Trường Sa, theo Benar News.
Những thông tin này đã thu hút phản ứng giận dữ từ Trung Quốc. Hôm 28/4, Ma Xiaoguang, phát ngôn viên của Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Bắc Kinh, đã cảnh báo Đài Bắc về kế hoạch mở rộng đảo Ba Đình.
“Bất kỳ ý đồ nào nhằm thông đồng với các thế lực bên ngoài và phản bội lợi ích của đất nước Trung Quốc đều là đang đùa giỡn với lửa và chắc chắn sẽ bị trừng phạt bởi cả hai bên eo biển [Đài Loan]”, Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc (CNS) dẫn lời ông Ma.
Ông này tuyên bố: “Điều đó sẽ bị người dân chối bỏ và bị lịch sử trừng phạt”.
Hiện chưa có thông tin về phản ứng của Việt Nam về kế hoạch mở rộng đường băng của Đài Loan trên đảo Ba Đình. Vào tháng 3, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối các cuộc tập trận bắn đạn thật của Đài Loan tại đảo Ba Đình.
Báo Người lao động (NLĐ) đưa tin, hôm 11/3, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói rằng Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Đài Loan hủy bỏ diễn tập bắn đạn thật ở vùng biển quanh đảo Ba Bình.
Tuyên bố khẳng định Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử cho thấy chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông.
Cả Trung Quốc và Đài Loan đều đưa ra yêu sách đường 9 đoạn ở Biển Đông. Yêu sách này đã bị Tòa trọng tài thường trực ở La Hay bác bỏ, nhưng Đài Loan và Trung Quốc không chấp nhận phán quyết này.