Kỷ niệm 6 năm Phán quyết Biển Đông: Tàu chiến Mỹ tiến sát quần đảo Hoàng Sa
Một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường của Hải quân Hoa Kỳ vừa đi qua Quần đảo Hoàng Sa như một động thái kỷ niệm 6 năm Phán quyết Biển Đông và bác bỏ yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc.
Cách đây 6 năm, Tòa trọng tài thường trực tại La Hay, Hà Lan đã “ra phán quyết mang tính bước ngoặt tuyên bố Biển Đông là vùng biển quốc tế chứ không phải là ao nhà của Trung Quốc”, theo Washington Times.
Hôm 13/7, Hải quân Mỹ đã kỷ niệm sự kiện này bằng một chuyến đi của tàu chiến qua quần đảo Hoàng Sa.
Trung úy Hải quân Mỹ Nicholas Lingo, người phát ngôn của Hạm đội 7, cho biết tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Benfold đã tiến gần quần đảo Hoàng Sa để khẳng định “các quyền và tự do hàng hải ở Biển Đông là phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Phản ứng của Trung Quốc khi tàu chiến Mỹ tiến gần quần đảo Hoàng Sa
Đáp trả động thái của Mỹ, quân đội Trung Quốc ra tuyên bố cáo buộc tàu Benfold đã “xâm phạm” và bị “cảnh cáo” khi tuần tra các lực lượng hải quân và không quân Trung Quốc.
Phát ngôn viên Điền Quân Lý (Tian Junli), thuộc Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam bộ Trung Quốc nói rằng hành động của Benfold “là một bằng chứng không thể chối cãi khác về nỗ lực quân sự hóa Biển Đông của Hoa Kỳ thông qua bá quyền hàng hải”.
Bắc Kinh thường cáo buộc Mỹ “quân sự hóa” Biển Đông, trong khi chính Trung Quốc xây dựng các pháo đài quân sự trên các tiền đồn phi pháp ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.
Trung Quốc bắt đầu xây dựng các khí tài quân sự ở Biển Đông kể từ năm 2012, cải tạo khoảng 3.200 mẫu đất trên các đảo và rạn san hô ở Biển Đông. Các hoạt động của Trung Quốc hoàn toàn trái ngược với lời hứa hẹn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm 2015 là không quân sự hóa Biển Đông. Vào năm 2018, Trung Quốc đã bắt đầu triển khai tên lửa chống hạm, phòng không và thiết bị tác chiến điện tử trên một số đảo tranh chấp trong khu vực.
Mỹ tái khẳng định Phán quyết Biển Đông 2016
Ngoại trưởng Antony Blinken hôm 11/7 đã nhắc lại Phán quyết năm 2016 về việc bác bỏ yêu sách của Trung Quốc.
“Trong phán quyết của mình, Tòa án kiên quyết bác bỏ yêu sách rộng lớn của CHND Trung Hoa ở Biển Đông là không có cơ sở trong luật pháp quốc tế,” ông Blinken tuyên bố.
Ông Blinken cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ gần đây đã đưa ra một nghiên cứu xem xét các tuyên bố lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông và bác bỏ chúng là bất hợp pháp.
Ngoại trưởng cũng tái khẳng định tuyên bố của người tiền nhiệm Mike Pompeo vào năm 2020 rằng bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào nhằm vào các lực lượng vũ trang, tàu hoặc máy bay của Philippines ở Biển Đông sẽ kích hoạt Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ-Philippines 1951.
Philippines, Việt Nam, Đài Loan, Malaysia, Brunei là các bên khác có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Theo Washington Times, bình luận này là một lời cảnh báo rõ ràng đối với Bắc Kinh rằng họ có nguy cơ xảy ra xung đột với Mỹ nếu họ phớt lờ Phán quyết Biển Đông.
Ông Blinken nói: “Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc một lần nữa tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế và chấm dứt các hành vi khiêu khích”.
Có thể bạn quan tâm